Cùng sáng tác

  • Hãy tham gia
  • Đăng nhập
  • Bạn đọc gửi

Text-Edit2Trang Văn Nghệ Chủ Nhật - Một sân chơi cho các sáng tác trẻ, mời các bạn tham gia, hãy đăng ký tài khoản thành viên trong ít phút



Thành viên mới

Thành viên năng động

Bạn đọc mới gửi

Nguyễn Huy Tưởng trong vai trò nhà báo PDF. In Email
TIN TỨC VĂN HỌC - Chân dung văn học

Ngày 2/12/1930, ở tuổi 18, Nguyễn Huy Tưởng quả quyết ghi trong nhật ký: "Mục đích của tôi: Tôi sẽ trở nên một người văn sĩ hay là một người viết báo".

Và thực tế cho thấy, ông đã đạt được cả hai mục đích ấy, dẫu rằng tư cách “người viết báo” có thể không nổi trội bằng tư cách “văn sĩ” - và cũng ít được người ta biết đến hơn.

Cũng nhật ký Nguyễn Huy Tưởng cho biết, hồi mới bắt đầu viết văn, ông thường xuyên gửi bài đến các báo. Nhưng cũng phải đến đầu những năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng mới thực sự xuất hiện trên văn đàn, và tên tuổi của ông thời kỳ đầu gắn liền với tạp chí Tri tân. Tờ tạp chí chuyên về khảo cứu lịch sử này ra số đầu tiên ngày 3/6/1941 thì nửa năm sau, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu góp mặt. Trước khi cho ra mắt các tiểu thuyết và kịch lịch sử thuộc số những tác phẩm quan trọng nhất của ông thời kỳ trước Cách mạng, như Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng cho đăng các bài nghị luận có tính cách báo chí rõ rệt, như bài Hội nghị Diên Hồng và Ý nghĩa việc thiên đô của Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam. Những bài ấy, ngoài tính nghị luận đầy chất báo chí, còn có những phẩm chất văn chương mà ông chủ bút Hoa Bằng đã sớm nhận thấy trong một bức thư gửi tác giả: “Cái văn tài của ngài trong những bài như Diên Hồng hội nghị và Ý nghĩa việc thiên đô đã làm cho độc giả Tri Tân bấy nay vẫn nhắc nhở mến phục”...

Nguyễn Huy Tưởng trong vai trò nhà báo_0
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Một bước ngoặt đã đến với Nguyễn Huy Tưởng trong quá trình ông tham gia cách mạng và trở thành một yếu nhân của tổ chức Văn hóa cứu quốc bí mật. Đầu năm 1945, Đảng chủ trương ra một tờ báo vận động văn hóa, và trách nhiệm này được giao cho Nguyễn Huy Tưởng và các đồng chí của ông. Hồi ức của các ông Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Tô Hoài cũng như những ghi chép vắn tắt và nhiều ẩn ý trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng cho biết, việc chuẩn bị cho tờ báo đã được bàn bạc tại nhiều cuộc họp Văn hóa cứu quốc trên căn gác của Nguyễn Huy Tưởng ở phố Pescadores (Pe-xca-đo), nay là phố Phù Đổng Thiên Vương ở gần chợ Hôm, Hà Nội.

Đến tháng 6, khi công việc chuẩn bị đã chín muồi, Nguyễn Huy Tưởng đưa các thành viên trong ban biên tập về quê mình ở làng Dục Tú (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội) để tổ chức số báo đầu tiên. Đó chính là tờ Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc, được chuẩn bị xong xuôi trong bí mật và ra số đầu tiên không lâu sau Cách mạng thành công.

Qua hơn một năm tồn tại, bên cạnh chức năng tuyên truyền, cổ động cho nền văn hóa mới - dân tộc, khoa học, đại chúng - tạp chí Tiên phong đã đăng được không ít tác phẩm văn học có giá trị, như các truyện ngắn Buổi chiều xám, Người đàn bà Tàu của Nguyên Hồng, Mò sâm banh của Nam Cao, Một lần tới thủ đô của Trần Đăng, thơ Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông của Xuân Diệu, kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng… Có thể nói, với Tiên phong, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ là người viết báo, mà còn là người làm báo, với đúng nghĩa đen của từ. Đấy cũng là một lý do để đến khi Đoàn báo chí Việt Nam được thành lập (cuối năm 1945) do nhà báo kỳ cựu Nguyễn Tường Phượng làm Chủ tịch, Nguyễn Huy Tưởng đã được bầu làm Tổng thư ký. Tổ chức báo chí này chính là “tiền thân” của Hội Nhà báo Việt Nam, như Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 2) đã ghi nhận trong mục từ về Hội!

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Nguyễn Huy Tưởng và nhiều văn nghệ sĩ lên đường đi kháng chiến. Sau những tháng đầu đầy bỡ ngỡ của cuộc sống chiến khu, sau trận Việt Bắc cam go và oanh liệt, giới văn nghệ dần dần đi vào ổn định. Vấn đề sáng tác được đặt ra, và một tờ báo để các văn nghệ sĩ có diễn đàn của mình ngày càng trở nên bức thiết. Tháng 3/1948, giữa núi rừng Việt Bắc, báo Văn nghệ được thành lập và ra số đầu tiên, với sự góp mặt của Nguyễn Đình Thi (tiểu luận Nhận đường), Tố Hữu (thơ Cá nước), Trần Mai Ninh (thơ Nhớ máu), Kim Lân (truyện ngắn Làng), Nguyên Hồng (tùy bút Ấp đồi cháy), Văn Cao (nhạc phẩm Sông Lô)… Nhớ lại những ngày này, nhà văn Nguyên Hồng viết: “Nguyễn Huy Tưởng làm nội vụ, vừa là thủ quỹ vừa đi giao thiệp in tạp chí. Khi thì ông đi biệt hàng nửa tháng…” để đến khi về, mang theo tin vui cho anh em: “Nhà in đã có… không phải chỉ nhận in một số mà có thể ra tới số năm, số sáu!”. Ông Nguyên Hồng cũng không quên nói về đóng góp của bạn mình với tư cách người viết báo: “Người bám ruộng và cày khỏe nhất vẫn là Nguyễn Huy Tưởng”.

Có thể nói, khả năng báo chí của Nguyễn Huy Tưởng đã được phát huy hết mức những tháng ngày ông làm báo Văn nghệ trong kháng chiến. Sau ba số đầu do Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn, từ số 4 trở đi vai trò này được chuyển sang Nguyễn Huy Tưởng. Vừa lo đảm đương công việc tòa soạn, ông vừa sáng tác vừa viết cho tờ báo của mình (kịch Những người ở lại và một loạt các bài ký, ghi chép, tường thuật hội nghị…). Đến năm 1950, khi tham gia chiến dịch Cao Lạng với tư cách phóng viên chiến trường, ông mới thôi các công việc tòa soạn nhưng vẫn luôn gắn bó với tờ báo.

Năm 1952, trong phong trào chỉnh huấn, khi làm bản Tự kiểm thảo, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Công việc chính của tôi là tờ báo. Nó có tác dụng là đã thúc đẩy được phong trào văn nghệ nhân dân, nhưng nó cũng có nhiều khuyết điểm…” Tiên trách kỷ hậu trách nhân vẫn luôn là tác phong, là thái độ của Nguyễn Huy Tưởng, cả trong công tác báo chí!

Nguyễn Huy Tưởng trong vai trò nhà báo_1
Từ trái sang phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân - những văn nghệ sĩ hàng đầu của văn học cách mạng, đồng thời cũng là những nhà báo kỳ cựu trên nhiều tờ báo nổi tiếng qua các thời kỳ.

Hòa bình lập lại, Nguyễn Huy Tưởng thôi dần các công tác lãnh đạo văn nghệ để được tập trung thực hiện mấy tác phẩm dài hơi mà ông đang theo đuổi, trong đó có tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Với nhiều trăn trở về văn nghệ và cuộc sống, Nguyễn Huy Tưởng có phần nào mất đi thói quen viết báo. Thói quen này chỉ trở lại với ông trong chuyến đi lao động thực tế ở Điện Biên cuối năm 1958, khi ông tìm lại được cảm giác hào hứng sống cùng các chiến sĩ như thời kháng chiến. Ông viết “Thư từ rừng núi hoa ban” cho Tô Hoài, kể chuyện bộ đội cho bạn; ông viết kinh nghiệm đi thực tế đăng báo Nhân dân, và nhận thấy rằng “Cần viết bài cho báo Đảng”; ông viết cảm nhận khi đọc Hoàng Lê nhất thống chí, đặc biệt đánh giá cao công lao của nhà văn - nhà báo Ngô Tất Tố trong việc lưu giữ, dịch thuật tác phẩm quý này... Với những trải nghiệm mới thâu nhận được, ông viết trong nhật ký: “Phải tranh thủ viết báo. Làm sao cho mẫn tiệp. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, báo là một lợi khí. Đó là cách luyện tập viết văn cho sắc bén”...

Nguyễn Huy Tưởng qua đời ngày 25/7/1960, để lại nhiều tác phẩm dở dang và nhiều suy nghĩ về văn chương và thời cuộc mà ông những muốn phát biểu bằng “lợi khí” báo chí. Thời gian qua đi, người ta dần dần quên đi con người báo chí nơi ông. Dẫu sao mặc lòng, với ông, báo chí vẫn là một yếu tố quan trọng - nếu không nói là hàng đầu - làm nên những giá trị văn chương: báo chí đưa ông đến với văn học, cũng chính báo chí giúp cho ngòi bút ông được “mẫn tiệp”, văn chương luôn “sắc bén”. Hẳn không phải thái quá khi nói rằng, văn Nguyễn Huy Tưởng là văn nhập cuộc và luôn theo sát được với cuộc đời, chính là nhờ tố chất báo chí của ngòi bút ông.

Theo EV.

 

Thêm ý kiến

Chúng tôi chỉ đồng ý hiển thị các lời bình bằng Tiếng Việt có dấu

Mã bảo vệ
Xóa

Thành viên sáng tác Văn Nghệ Chủ Nhật

Nhím còi
Nhím còi
Tham gia từ: 2010-06-25 12:53
Thủytinh
Thủytinh
Tham gia từ: 2010-06-24 03:47
Trăng Đỏ
Trăng Đỏ
Tham gia từ: 2010-06-23 03:03
huan5800@gmail.com
Tham gia từ: 2010-06-23 01:05
Thanh
Thanh
Tham gia từ: 2010-06-22 03:51
nguyen tho ninh
nguyen tho ninh
Tham gia từ: 2010-06-22 02:00
Đặng Ngọc Nhâm
Đặng Ngọc Nhâm
Tham gia từ: 2010-06-21 02:12
trần minh quân
trần minh quân
Tham gia từ: 2010-06-21 03:25
Nguyễn Văn Hùng
Nguyễn Văn Hùng
Tham gia từ: 2010-06-20 12:46
le cuong
le cuong
Tham gia từ: 2010-06-17 02:20
bui dinh van
bui dinh van
Tham gia từ: 2010-06-15 01:30
LUBIM
LUBIM
Tham gia từ: 2010-06-13 04:17
« 1 2 3 »
Đặng Ngọc Nhâm
Đặng Ngọc Nhâm
Tham gia từ: 2010-06-21 02:12
LUBIM
LUBIM
Tham gia từ: 2010-06-13 04:17
trần minh quân
trần minh quân
Tham gia từ: 2010-06-21 03:25
nguyenhuyen291088@gmail.com
Tham gia từ: 2010-05-31 12:13
Phạm Thị Nhung
Phạm Thị Nhung
Tham gia từ: 2010-06-05 01:09
nghi
nghi
Tham gia từ: 2010-06-03 01:27
Phạm Ngọc Đôn
Phạm Ngọc Đôn
Tham gia từ: 2010-06-10 02:16
hansa
hansa
Tham gia từ: 2010-06-02 12:06
Nguyễn Văn Phương
Nguyễn Văn Phương
Tham gia từ: 2010-05-26 02:12
vuthichi
vuthichi
Tham gia từ: 2010-06-04 11:15
Nguyễn Thanh Thảo
Nguyễn Thanh Thảo
Tham gia từ: 2010-06-11 03:51
thanh hai
thanh hai
Tham gia từ: 2010-06-02 08:46
Khuất Thị Tố Uyên
Khuất Thị Tố Uyên
Tham gia từ: 2010-06-08 07:10
LUBIM
LUBIM
Tham gia từ: 2010-06-13 04:17
nguyễn thị huyền
nguyễn thị huyền
Tham gia từ: 2010-05-31 12:01
« 1 2 3 »
Mới nhất
Năng động nhất
Nổi tiếng nhất

Bài mới đăng

Ai đang xem

Hiện có 24 khách Trực tuyến

Bài viết liên quan

Lịch Bài viết

< Tháng 6 2010 >
Th Th Th Th Th Th Ch
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30        
method man snoop dogg buy cialis or generic tadalafil