
Nhận xét về Rilke, Nguyễn Xuân Sanh cho rằng, thơ của tác giả này có phần duy lý, song chính là thơ trữ tình bậc nhất trên đất Đức. Những ý kiến của Rikle về thơ có sức thuyết phục lớn, một phần cũng là do sự diễn đạt rất thơ.
Vốn là người phụ trách công tác đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Xuân Sanh từng có nhiều dịp tiếp xúc với các nhà văn, nhà báo Đức sang thăm Việt Nam như ông bà Stern, Heinz Klemm, Faber… Nhà thơ Paul Wiens, chủ tịch Hội nhà văn Berlin là một trong những người bạn thân nhất của Nguyễn Xuân Sanh. Năm 1974, tại một cuộc hội thảo về việc tiếp nhận văn học Đức do Đài truyền hình Cộng hòa Dân chủ Đức tổ chức và nhà thơ Paul Wiens chủ trì, Nguyễn Xuân Sanh có dịp trình bày trước các bạn Đức và quốc tế về quá trình tiếp nhận văn học Đức ở Việt Nam, đồng thời giới thiệu ảnh hưởng của thơ Johannes R.Becher. Dịp ấy có tới 40 nhà thơ trên thế giới nói về Becher. Tuy chưa từng tiếp xúc với Becher nhưng Nguyễn Xuân Sanh đã có dịp tìm hiểu thơ ông tại trường Ngoại ngữ ở Gia Quất, đồng thời dịch thơ ông cho các tạp chí Văn Nghệ, Tác phẩm mới và báo Văn Nghệ sau này. Nguyễn Xuân Sanh cảm nhận ở Becher phẩm chất và tài năng của một nhà thơ cách mạng dũng cảm, kiên cường, người có vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền văn hóa mới trên đất Đức. Hiện nay, trong hồ sơ của Nguyễn Xuân Sanh còn lưu giữ những bức thư riêng của Lili Becher – vợ nhà thơ Becher - gửi cho ông.
Nguyễn Xuân Sanh đặc biệt đánh giá cao chất trí tuệ của văn học Đức, một trong những yếu tố đã tác động vào sáng tác của nhiều nhà thơ Việt Nam như Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh. Ông nói: “Thơ đương nhiên là phải trữ tình nhưng không thể buông lỏng trữ tình lãng mạn, mà cần có trí tuệ, tư duy ở tầm cao. Chúng tôi đọc triết học Đức, từ Hegel, Marx, Engels… chúng tôi đọc cả Kant, Nietsche… những bộ óc lớn của nền văn hóa Đức, nhờ thế mà ai cũng trưởng thành trong tư duy, trong sáng tác”.
Trong câu chuyện thân tình, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh kể: “Chính đồng chí Trường Chinh rất thích thơ Goethe, từng yêu cầu tìm cho đồng chí mượn tác phẩm Faust bằng tiếng Pháp. Đồng chí cũng đánh giá cao Heine – một nhà thơ trữ tình, rất con người, giàu chất cách mạng. Bài ca những người thợ dệt Sledi mà chúng tôi đã dịch từ trong kháng chiến chống Pháp được đồng chí Trường Chinh đánh giá cao”.
Từ những tiếp xúc thuở ban đầu với văn học Đức, như một chút duyên nợ khó quên được khơi dậy từ thời trai trẻ, Nguyễn Xuân Sanh đã có những đóng góp trong việc dịch, giới thiệu một số tác giả văn học Đức, từ Goethe, Heine đến Becher. Nền văn học ấy cũng là người bạn đường của các nhà thơ thuộc thế hệ ông, luôn nhắc nhở và yêu cầu các ông vươn tới những tầm tư duy cao đạt tới chất trí tuệ cho thơ.
Và cũng từ chút duyên nợ ấy, khi đặt chân tới nước Đức, các ông như gặp lại người thân yêu cũ, đã say sưa làm thơ ca ngợi các nhân vật và đất nước của xứ sở này, rõ rệt nhất là các bài thơ in trong Những trái tim đồng chí do NXB Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 1983. Có thể đọc ở đấy những cảm xúc thi ca về nước Đức của Sóng Hồng, Xuân Thủy, Tế Hanh, Nông Quốc Chấn, Huy Cận, Anh Thơ, Hoàng Trung Thông, Bảo Định Giang, Giang Nam, Trần Huyền Trân, Huyền Kiêu, Lưu Trùng Dương, Xuân Thiên…
Trong chùm thơ về nước Đức của Nguyễn Xuân Sanh còn ba bài nữa., đó là Nhân thăm nhà nhỏ Sinle, Vườn Goethe và Đêm nghe nhạc Batsơ. Hai bài về thiên tài văn học và một bài về nhà soạn nhạc kiệt xuất của nước Đức. Nói về các nhân vật lớn của nền văn hóa Đức (Schiller, Goethe, Bach…), Nguyễn Xuân Sanh khai thác những chi tiết, những nỗi niềm gần gũi với cuộc sống hôm nay trên đất bạn.
Cho nên, không phải nhà thơ nào cũng có thể kết bài thơ lại bằng bốn câu giản dị mà sâu xa như ông:
“Ngồi vườn cây không xa Vaima
Mà rất xa đô thị phồn hoa
Ngôi vườn cuộc đời sự thật
Tưởng không có gì mà có tất”.
(Nguồn: Người Hà Nội – 16/6/2006
< Lùi | Tiếp theo > |
---|
bài mới hơn:
- 01/01/2007 - THƠ TÌNH CỦA MAI HỮU PHƯỚC
- 04/09/2006 - Phù thủy xứ Lang Biang tái xuất
- 13/08/2006 - Remarque - tác giả cuốn sách hay nhất về thế chiến I
- 05/08/2006 - Nhà văn Nguyên Bình - nhân vật *thầy* trong *Tôi mù?*
- 24/07/2006 - Mai Hữu Phước- Một bác sĩ mang “bệnh” thi ca !
bài cũ hơn:
- 18/05/2006 - Nguyễn Danh Lam *Viết để khỏi vo tròn cái tôi*