Lịch Bài viết

< Tháng 3 2009 >
Th Th Th Th Th Th Ch
           
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31          
Lưu Chấn Vân giương tai điếc với giới phê bình PDF. In Email
TIN TỨC VĂN HỌC - Chân dung văn học
luchanvan.jpgTác giả "Điện thoại di động" là một trong những tiểu thuyết gia gây tranh cãi nhất tại Trung Quốc. Mỗi lần ra mắt một tác phẩm mới, ông lại ngập trong sự chỉ trích, la ó. "Nhưng về sau, tôi nhận được tới tấp những tiếng vỗ tay, ngay từ những kẻ trước đó đã lớn tiếng phản đối", nhà văn tâm sự.

"Có thể, nỗ lực tìm hướng đi mới của tôi không gây ấn tượng với độc giả và giới phê bình. Hoặc, họ đã quen với phong cách của tôi và không muốn tôi mạo hiểm, tự biến mình thành kẻ ngớ ngẩn", Lưu Chấn Vân tự giải thích trong buổi lễ giới thiệu cuốn sách mới nhất Tôi là Lưu Thiết Tấn (Wo Jiao Liu Yuejin).

Tuy nhiên, nhà văn 49 tuổi - người thỉnh thoảng lấn sân sang viết kịch bản và làm diễn viên - không bao giờ nao núng trước những lời chỉ trích.

"25 năm viết lách, tôi lúc nào cũng bị bủa vây bởi giới phê bình. Nhưng mỗi khi hoàn thành xong một cuốn tiểu thuyết, tôi lại nhanh chóng rẽ sang một hướng khác. Tôi luôn giương tai điếc với các nhà phê bình khi bắt đầu bước vào một dự định mới", nhà văn bày tỏ.

Được coi là tác giả tân hiện thực nhưng Lưu Chấn Vân không thích bị phân loại. Nhà văn khẳng định, Tôi là Lưu Thiết Tấn sẽ là "một bước ngoặt mới" trong sự nghiệp cầm bút của ông.


Cuốn sách ra mắt đầu tháng 11 với 200.000 bản in đầu tiên. Nhà văn cho biết, đây là một câu chuyện phản ngụ ngôn, trong đó, một con cừu sẽ ăn thịt nhiều con sói chứ không phải như logic ngược lại.

Đó là lúc những con người yếu đuối và bị chà đạp bất thần vươn lên giành vị thế cao hơn. "Chỉ với tiểu thuyết, tôi mới có thể biến những điều không thể thành có thể", nhà văn nói.

Tác phẩm kể về một bếp trưởng tên là Lưu Thiết Tấn. Trong quá trình tìm lại cái túi bị mất của mình, anh phải đối đầu với hàng loạt kẻ giết người không ghê tay.

"Cừu và sói là những ẩn dụ mà tôi tạo ra để diễn tả một góc nhìn mới về xã hội ngày nay", Lưu Chấn Vân giải thích.

Ông tin rằng, thế giới đầy những điều bất ổn, những rủi ro bất trắc và những trạng huống ngẫu nhiên. "Thế giới ngày nay đã vuột khỏi tầm kiểm soát của con người. Đây là nơi xảy ra tính kịch mà tôi muốn khám phá trong tiểu thuyết".

Bếp trưởng Lưu là một người lao động hiền lành, đang phải đối diện với cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ. Chiếc túi bị mất của anh có tờ ghi nợ trị giá 3.000 NDT của người tình của vợ Lưu Thiết Tấn. Anh vừa phát hiện ra chuyện ngoại tình của họ. Trên hành trình tìm lại túi, Thiết Tấn đã chấp nhận chơi những canh bạc chết người với những đối thủ nguy hiểm như ông trùm bất động sản, quan chức tham nhũng, giới mafia, gái điếm...

"Cuộc sống trông thật bằng phẳng và hoàn hảo, nhưng khi nhìn ở mặt trái của nó, người ta sẽ tìm thấy những lỗ thủng, những vết rạn và cả những nối kết không vừa vặn. Tôi muốn viết điều gì đó về sự phi lý của cuộc đời trong cuốn tiểu thuyết mới", nhà văn nói.

Tiểu thuyết của Lưu Chấn Vân thường được coi là bi kịch, hoặc bi hài kịch. Nhưng nhà văn thích gọi chúng là hài kịch.

"Hàng thế kỷ qua, các nhà viết kịch, nhà văn đều rất thích viết bi kịch. Nhưng trong mắt tôi, mọi bi kịch đều là hài kịch", nhà văn nói.

Phản ứng của độc giả đối với tác phẩm mới của Lưu Chấn Vân khá đa dạng. Có người cho rằng, đây là "cuốn tiểu thuyết dài dòng, lê thê, được nhồi nhét thêm bằng những bình luận tự mãn về xã hội". Nhưng một số ý kiến ca ngợi, tác phẩm là sự 'phơi bày một cách lạnh lùng hiện thực trần trụi của xã hội đương đại với nghệ thuật xây dựng nhân vật lôi cuốn và lối trần thuật hóm hỉnh".

Han Sanping, giám đốc Hãng China Film Group, đặc biệt tin tưởng vào sức hấp dẫn của Tôi là Lưu Thiết Tấn. Ông đã đầu tư 10 triệu NDT (22 tỷ đồng) để chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành bộ phim cùng tên. Lưu Chấn Vân sẽ là tác giả kịch bản và tham gia đóng một vai nhỏ trong phim.

Nhiều năm qua, trong vai trò của một nhà biên kịch, Lưu Chấn Vân có mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với đạo diễn Phùng Tiểu Cương - một trong hai đạo diễn ăn khách nhất hiện nay tại Trung Quốc (người kia là Trương Nghệ Mưu). Sản phẩm thành công nhất của họ là bộ phim Điện thoại di động. Với doanh thu hơn 50 triệu NDT (110 tỷ đồng), Điện thoại di động là một trong những bộ phim được yêu thích nhất tại Trung Quốc năm 2003.

Dựa trên kịch bản phim, Lưu Chấn Vân đã chuyển thể tác phẩm thành cuốn tiểu thuyết cùng tên. Cuốn sách tiêu thụ được hơn 300.000 bản.

Vì "dính líu" cả đến điện ảnh, nên các nhà phê bình thường coi Lưu Chấn Vân là "nhà văn thương mại". Nhưng dường như ông không lấy làm tự ái vì danh hiệu này.

"Không nhiều nhà văn Trung Quốc có thể trang trải được một cuộc sống tối thiểu bằng nghề viết. Nếu tác phẩm của họ không bán được, làm sao họ sống sót với tư cách một nhà văn đơn thuần. Nếu thiếu tiền, nhà văn sẽ chẳng còn hơi sức đâu mà theo đuổi những đỉnh cao sừng sững của văn chương. Tôi hy vọng, ngày càng có nhiều nhà văn thành công về mặt thương mại. Đó là một tín hiệu tốt cho cả người cầm bút lẫn độc giả", ông nói.

Nguồn: China
 

Tư liệu

Ai đang xem

Hiện có 523 khách Trực tuyến