Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

Đăng nhập Đăng ký Điều chỉnh
Email In PDF.

Làm vợ nhà văn

b7.jpgSinh thời, nhà thơ Nguyễn Bính đã có hai câu thơ dặn con: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con". Không chỉ là "thi sĩ", câu thơ ấy còn đúng với nhiều trường hợp nhà văn, thậm chí là những nhà văn lớn.

Nhà thơ Tế Hanh


Chỉ cần trò chuyện ít phút với nhà thơ Tế Hanh, ta có thể nhận thấy ngay rằng, đây là hình mẫu thi sĩ "chỉ biết thơ thôi, chẳng biết gì". Đó là một người có vóc dáng mảnh khảnh, đôi mắt luôn mở to ngơ ngác và trong nhiều năm ròng trước khi bị mù, ông thường xuyên phải nằm viện điều trị về căn bệnh này.

Tế Hanh kết duyên với bà Lâm Yến, một cán bộ miền Nam tập kết từ sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

Đó là người phụ nữ giản dị, chất phác, chăm lo cho chồng từ cái kim, sợi chỉ. Nhà thơ Tế Hanh từng có nhiều bài thơ viết về bệnh tật và những ngày tháng bên giường bệnh, hình bóng bà Yến luôn xuất hiện trong những bài thơ này của ông.

Cách đây ít lâu, đến thăm vợ chồng nhà thơ Tế Hanh, tôi được bà Yến cho biết: Khi mắt ông không còn đọc được, ngày ngày bà vẫn chọn lựa những sách báo cần thiết để đọc cho ông nghe.

Vì có biết lõm bõm chút tiếng Pháp, bà đọc một số thơ Pháp cho ông nghe để ông dịch. Một số bản dịch thơ Pháp quen thuộc với đông đảo bạn đọc Việt Nam đã ra đời trong hoàn cảnh này.

Ngày 4/5/1999, trong lần tham gia đêm thơ kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn, nhà thơ Tế Hanh bị xuất huyết não và đột quỵ. Từ nhiều năm nay, ông rơi vào tình trạng thoái hoá não, sống đời sống thực vật, bà Yến phải ngày đêm chăm lo săn sóc chồng.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Mặc dù là người lành hiền, ít nói, rất biết lo lắng cho vợ cho con, song bởi sinh ra trong một gia đình thuộc diện khá giả thời kỳ trước cách mạng nên Nguyễn Minh Châu rất đoảng việc nhà.

Bà Nguyễn Thị Doanh, vợ ông cho biết, ngoài việc viết, ông dường như chẳng phải làm việc gì và thực tế cũng không biết… làm gì.

Ngày còn sơ tán ở Hà Tây, vì bà phải đi học thêm nên có buổi, ông phải một thân một mình bắc nồi thổi cơm. Việc ngỡ xong xuôi, song khi cơm được xới ra, các con ông ai cũng nhăn mặt, không nuốt nổi.

Nó vừa sống, vừa khê, vừa... nhão. Biết chuyện, bà Doanh đùa trêu chồng: "Em đố bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào có thể nấu... được như thế".

Đấy là cơm nước, còn với may vá, bà Doanh đã kể lại câu chuyện vui thời kỳ đầu Nguyễn Minh Châu nhập ngũ. Gặp hôm quần bục rách, thay vì việc vá víu, Nguyễn Minh Châu đã tạm thời đối phó bằng cách lấy miếng giấy quết ít cơm nguội để… dán vào.

Hiện bà Doanh còn giữ làm kỷ niệm chiếc quần đen của chồng với những đường chỉ trắng khâu dọc gấu, nổi bật trên nền vải đen, mũi kim nọ cách mũi kim kia tới 2-3cm.

Với một người chồng "vụng về” như thế, để thêm thời gian chăm lo việc nhà, bà Doanh đã xin nghỉ hưu sớm 5 năm. Ấy thế nhưng, Nguyễn Minh Châu lại không hẳn đã ưng quyết định của vợ. Ông muốn bà ngày ngày vẫn có mặt ở cơ quan để ông hoàn toàn được một thân một mình lặng yên ngồi… sáng tác.

Ông chỉ phải chịu chấp nhận số phận khi bị phát hiện ung thư máu. Bà Doanh là người đôn đáo khắp nơi tìm thầy tìm thuốc và ngày đêm vất vả chăm nom săn sóc chồng cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Nhà văn Hoài Thanh


Phu nhân của nhà phê bình văn học Hoài Thanh là nhà báo Phan Thị Nga, một đảng viên từ năm 1930. Mặc dù rất đam mê hoạt động xã hội và viết báo, viết văn, song từ khi kết duyên với Hoài Thanh, bà Nga đã chuyển hướng. Xác định tài năng của chồng gấp nhiều lần mình, nên bà cho rằng, nếu giúp chồng được phát huy thì có lợi hơn.

Sau này, trong thư gửi các con, Hoài Thanh nhận định: "Trong cuộc sống chung có thể nói mẹ đã đảm nhận mọi việc. Không những mẹ lo việc mua bán, ăn mặc, cả đến việc học của mấy đứa con chủ yếu cũng do mẹ lo liệu".

Có thời kỳ, Hoài Thanh bị ho ra máu, phải vào viện lao điều trị. Bà Nga vừa chăm sóc chồng, vừa chăm con, tiền nong lại thiếu thốn. Bởi thế, dù đã mang thai người con thứ hai trên tám tháng, nhưng cái thai đã bị chết lưu trong bụng. May mà bệnh viện lấy ra được, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ.

Bà Nga qua đời vì bệnh tim khi chưa đến tuổi sáu mươi. Sự ra đi của bà quá bất ngờ, khiến Hoài Thanh ân hận mãi. Ông cho rằng mình không chịu khó theo dõi bệnh tình của vợ để có biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Và ông đã viết cho các con những dòng đầy day dứt: "Giá cha biết sớm, rất có thể mẹ đã sống thêm được ít năm. Sự thực mẹ săn sóc cha, săn sóc các con một trăm phần, cha và các con chưa săn sóc mẹ được một phần. Cha hay vin lý do vì viết văn đầu óc bận chuyện đâu đâu nên không săn sóc được. Thực sự thì chỉ là do ích kỷ, chỉ biết đến mình và việc làm của mình…".

Cũng theo nhà văn Hoài Thanh, mặc dù ông từng giữ cương vị lãnh đạo trong văn giới, song việc ấy cũng không giúp cho vợ ông có được tấm thẻ Hội viên Hội Nhà văn. Và đây cũng là một trong những "nỗi buồn" của vợ ông.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông

Sinh thời, mặc dù từng giữ vị trí lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, song nhà thơ Hoàng Trung Thông có cuộc sống rất thanh bần (trong bài Khách ở quê ra chơi, ông gọi mình là "nhà thơ kiết xác").

Đã vậy, những năm cuối đời, ông thường đắm mình bên chén rượu, mặc sức khỏe ngày thêm suy sụp. Và mặc dù, ở nhà, vợ ông luôn chuẩn bị cho ông không ít các vò rượu ngon, song ông vẫn năng đến quán xá, vì ở nơi ấy ông được gặp bè gặp bạn.

Cùng quê Quỳnh Lưu (Nghệ An), bà Hoa kết duyên với tác giả Bài ca vỡ đất với một ý thức hết lòng chăm lo cho sự nghiệp của chồng. Bà tháo vát, đảm đương mọi việc trong nhà, một tay nuôi dưỡng đàn con khôn lớn.

Thương chồng, bà làm thêm đủ thứ, từ gỡ tơ rối, đan len… Bà được xem là người rất chiều chồng và hiếu khách (nhất là các bạn văn của ông). Để phòng lúc ông quá chén, trong nhà bà luôn trữ sẵn bột sắn dây, đậu xanh để nấu cháo giã rượu cho chồng.

Hoàng Trung Thông từng có những vần thơ viết tặng vợ Còn anh thơ rượu, em xuôi ngược/ Lo lắng ngày đêm không nghỉ ngơi và Chao ôi, anh lại đi uống rượu/ Anh làm em khổ, khổ vì anh..

Sinh thời, nhà phê bình văn học Ngọc Trai từng kể câu chuyện: Hồi Hội nghị nhà văn Á - Phi được tổ chức tại miền Nam nước ta, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ao ước, giá tiện xe của Ban Tổ chức, Hội cho vợ mình được đi cùng chồng một chuyến để bà được trông thấy miền Nam giải phóng thì hay quá.

Song tiếc thay, cho đến lúc hai tay buông xuôi từ giã cõi đời, ông vẫn chưa thực hiện được ước nguyện ngỡ như cũng… giản đơn này.

Nhà văn Nguyên Hồng


Nhà văn Nguyên Hồng có tiếng là người nhân hậu và đa cảm. Tuy vậy, ông cũng thuộc "tuýp" người khảng khái, "bất khuất". Đây đó với vợ con ông còn thể hiện sự gia trưởng, nhất nhất mọi việc phải tuân theo ý mình.

Năm 1958, nhân khi gặp những khúc mắc trong việc làm báo Văn, bị anh em kiểm điểm "lên bờ xuống ruộng", ông đã đùng đùng tự ái đưa thốc toàn bộ đồ đạc cùng gia quyến từ Hà Nội về lại ấp Đồi Cháy (Nhã Nam, Bắc Giang), nơi gia đình ông cùng gia đình các nhà văn Ngô Tất Tố, Kim Lân tản cư trong kháng chiến chống Pháp. Khi ấy vợ ông đang có việc làm, các con đều có trường lớp ổn định. Nhưng Nguyên Hồng đã quyết thì… miễn bàn.

Nếu như với đa phần các nhà văn, việc nội trợ, chi tiêu thường được "khoán" hẳn cho các bà vợ thì ở Nguyên Hồng, sự thể có phần ngược lại. Nhà văn Tô Hoài từng viết: "Thầy nó (tức Nguyên Hồng) đã định thì trong nhà ai nấy chỉ việc làm theo. Cả tính toán chi tiêu mắm muối, Nguyên Hồng đi chợ lo liệu lấy, nếu không chị ấy cũng bảo các con: Đã hỏi thày mày chưa?".

Từ nơi phồn hoa đô hội trở về nơi sỏi đá khô cằn, đèo heo hút gió, dĩ nhiên gia cảnh Nguyên Hồng luôn khiến bạn bè chạnh lòng, băn khoăn. Và, trong khi ông nhà văn - cha đẻ của các nhân vật Tám Bính, Năm Sài Gòn - cảm thấy thanh thản, ung dung trước nơi ở mới thì vợ con ông có lúc không giấu được tâm trạng cám cảnh.

Bà vợ của Nguyên Hồng từng có lần than phiền với bè bạn của ông nhân một lần họ từ Hà Nội lên thăm: "Thày nó nay xuôi mai ngược chứ tôi ốm đau thế này, suốt mùa rét ngồi cuốn sâu kèn hút lá cà độc dược chữa bệnh, tuổi đã nhiều, bệnh hen càng nặng, tôi đến chết cũng không bao giờ ra khỏi cái đồi này mất".

Nguồn: Công An Nhân Dân

Add comment

Chúng tôi chỉ đồng ý hiển thị các lời bình bằng Tiếng Việt có dấu

Security code
Refresh

Video mới chia sẻ

 

Lời yêu mới...

Bạn đọc đang trực tuyến

    0 Thành viên và 122 Khách đang trực tuyến
    method man snoop dogg buy cialis or generic tadalafil