Đăng nhập
Bạn đọc mới gửi
Trang Bạn đọc
Ngôi nhà, chủ nhà và những khách văn |
![]() |
![]() |
![]() |
ĐỜI SỐNG VĂN HỌC - Chuyện làng văn | |||
Chính trong ngôi nhà số 39 này, tôi thấy quan hệ giữa các họa sĩ bình đẳng hơn, chia sẻ hơn và tôn trọng nhau hơn... Tôi không bao giờ hỏi ngôi nhà này họa sĩ Lê Thiết Cương mua từ bao giờ và từ ai. Nhưng tôi đã đọc truyện ngắn của anh viết về một ngôi nhà cổ ở Hà Nội. Người chủ cũ đã bán ngôi nhà đó và đến định cư ở một nước châu Âu. Thi thoảng chị trở về thành phố và xin phép chủ nhân mới được bước vào ngôi nhà cũ của mình. Chị đã có những giờ khắc tự do đi, đứng, ngồi, tựa cửa và nhớ lại những năm tháng chị sống ở đó. Những vẻ đẹp của ngôi nhà và ký ức xa xôi vẫn thức dậy và hiện ra huyền ảo trong ngôi nhà mặc dù chị vẫn âu lo một ngày nào đó sẽ bị biến mất bởi đời sống công nghiệp hóa. Không hiểu sao lúc nào tôi cũng tin rằng Lê Thiết Cương viết truyện ngắn đó về ngôi nhà của mình. Mà thực tế, tất cả những ngôi nhà cổ quanh nhà số 39 gần như bị hiện đại hóa nuốt chửng. Gần hết những con phố thơ mộng của Hà Nội đã biến thành những tiểu trung tâm thương mại náo nhiệt. Thi thoảng tôi nhìn thấy một nét kiến trúc xưa ví dụ một mái ngói, một ô cửa… còn sót lại như cái vẫy tay cuối cùng trước khi biến mất vĩnh viễn trong trùng điệp bê tông của kiến trúc mới. Vẫn còn một số ngôi nhà cổ được gìn giữ nhưng được giấu sâu trong một ngõ nhỏ như người ta giấu một người già đã lẫn trong nhà mình. Tôi chưa bao giờ dừng lại để xem ngôi nhà số 39 có phải là một ngôi nhà cổ hay không. Nhưng mọi đồ đạc và cách sắp xếp bên trong của nó luôn luôn gợi cho tôi cảm giác tôi đang sống ở một thời đại khác bên cạnh một thời đại công nghiệp và hiện đại hóa. Thi thoảng tôi đến ngôi nhà này vào buổi trưa. Giờ đó thường là giờ Lê Thiết Cương ít khách hơn vì đó là giờ các vị khách đã rủ nhau đi nhậu hoặc đã nhậu ở đâu đó ít ghé qua. Ngôi nhà tràn ngập tranh và đồ cổ. Tôi thích đi một vòng để xem tranh. Có một góc Lê Thiết Cương để những đồ gốm do anh làm với một chứng chỉ quan trọng: Giải thưởng ASIA cho design (thiết kế) của anh. Những chiếc bình gốm lúc nào cũng như làm từ ngọc quý. Như chúng chỉ sinh ra một lần và sẽ không bao giờ đầu thai nữa. Tôi thường dừng lại và lòng lại nhen nhóm ham muốn sở hữu những đồ gốm đó. Và quái dị thay, lần nào tôi dừng lại, Cương cũng nói: Ông thích cái nào thì mang về chơi. Sau một thoáng ngượng ngùng như bị bắt quả tang những ý nghĩ thiếu trong sáng là một sự sung sướng ngập tràn trong tôi. Từ khi biết tôi vẽ, anh hay cho tôi màu và các dụng cụ khác như bút hoặc bay. Toàn là những đồ đắt tiền. Vào buổi trưa ngày Noel năm 2005, anh đến thăm tôi và mang theo một món quà Noel: một chiếc bút lông hiệu Luckas. Một món quà quý tộc. Món quà ấy làm tôi băn khoăn nhiều ngày rằng mình có nên tiếp tục vẽ nữa không và có nên vẽ bằng cái bút đó không. Một họa sĩ nữa cũng chiều chuộng tôi bằng những vật liệu và vật dụng sang trọng như thế mà chỉ nên dành cho một họa sĩ có đẳng cấp. Đó là họa sĩ Đào Hải Phong, một trong những người bạn gần gũi của Lê Thiết Cương. Có thể tôi không tiếp tục vẽ và có thể vẽ bằng những cái bút không đẹp như thế, nhưng những quà tặng ấy nói với tôi một điều: Dù chỉ là để chơi thì cũng phải chơi một cách đàng hoàng và kỹ lưỡng nhất. Muốn chơi được đàng hoàng và kỹ lưỡng thì việc chuẩn bị cho sự chơi ấy phải đàng hoàng và kỹ lưỡng. Nghĩa là, chúng ta phải có một ý thức đàng hoàng mới có được một hành động đàng hoàng. … Từ ngày tôi cầm cọ thì tôi đến nhà anh nhiều hơn. Tôi thích xem những bức tranh mới của anh và của những họa sĩ khác. Đặc biệt là tranh của những họa sĩ trẻ chưa thành danh mà anh tìm thấy và coi như một phát hiện của riêng mình. Rồi vài tháng anh lại đứng ra làm triển lãm cho một họa sĩ trẻ hay một người bạn và đôi khi làm triển lãm cho những họa sĩ già mà có quá nhiều sự khác biệt trong sáng tạo và lối sống với thế hệ họa sĩ như anh. Anh luôn luôn tìm thấy sự khác biệt của người khác và tôn trọng sự khác biệt ấy. Thế là anh ném mình vào chuẩn bị cho triển lãm của một ai đó như làm triển lãm của chính mình. Anh lo từng cái khung, từng cái đèn chiếu, từng mảng màu của bức tường, từng trang của cuốn sách, từng chữ trong giấy mời… Anh có sự chính xác của một nhà khoa học, có sự cẩn thận và tính mục đích của một người kinh doanh và có sự lãng mạn và hào phóng của một nghệ sĩ. Anh không là nhà văn, nhưng khi đọc bất cứ một đoạn văn nào của các nhà văn, anh soi mói từng chữ và run rẩy với từng chữ đẹp. Phẩm chất này lại thuộc về một họa sĩ chứ tôi ít thấy phẩm chất này ở trong nhiều nhà văn và các nhà lý luận phê bình của chúng ta mà lẽ ra họ phải là người cần có phẩm chất ấy nhất. Lê Thiết Cương luôn luôn kiếm tìm những chân dung mới cho hội hoạ Việt Nam từ những hoạ sĩ trẻ còn vô danh. Có người nói anh kiếm tìm cái mới cho hội hoạ Việt Nam. Có người nói anh định làm Chủ soái của hội họa mới. Tôi không nghĩ thế. Mà có đúng như vậy thì cũng là một điều cần thiết. Nhưng tôi nghĩ anh chỉ là người kiếm tìm cái mới trước hết là cho chính anh. Bởi tâm hồn anh không chịu nổi sự tù túng và sự mòn sáo. Nếu bản thân anh chưa làm ra được cái mới thì anh phải cần đến cái mới của người khác để chống lại sự nhàm chán quanh anh và của chính anh. Chính trong ngôi nhà số 39 này, tôi thấy quan hệ giữa các họa sĩ bình đẳng hơn, chia sẻ hơn và tôn trọng nhau hơn. Trong khi đó giới văn thơ của chúng tôi thì thế hệ nào co cụm vào thế hệ ấy. Già chẳng mấy yêu trẻ và trẻ chẳng mấy thương già. Ví dụ như các nhà thơ thế hệ nào cũng cho thơ mình mới là đúng, là hay, là có ý nghĩa với con người, là đang giữ vai trò chính trên văn đàn, còn thơ của thế hệ khác là vứt đi, là tắc tị, là giả dối. Nghe những cái giọng như thế trên báo chí thấy thật ngây ngô, thật ấu trĩ, thật hẹp hòi và vô cùng tội nghiệp. Một đời sống văn học rối loạn và đầy tính phe cánh. Sao thế nhỉ? Nhiều lúc, tôi có cảm giác nếu các nhà thơ của các thế hệ có vũ khí thì nội chiến sẽ xảy ra, thì ngày ngày sẽ có máu chảy. Nhưng rất may là họ chỉ có một số tờ báo giấy và mấy trang web cho nên cũng chỉ là “xỉ vả” nhau một hồi rồi lại biến mất tăm chẳng biết đi đâu? Chẳng biết còn sống hay đã chết? Chẳng biết sau khi nói như vương như tướng có viết được cái gì ra hồn không? Viết đến các nhà văn, nhà thơ tôi bắt đầu nhớ đến các vị khách văn chương thường ghé qua nhà Lê Thiết Cương. Ghé qua nhưng ngồi lại có khi gần hết một ngày. Những người khách văn chương mà tôi thường gặp ở đó đều là “ông kễnh” văn chương xứ mình cả như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà… Trong ba nhà văn này thì Nguyễn Huy Thiệp là người bị các nhà thơ “căm thù” nhất vì đã dám gọi 80% nhà thơ là đám “giặc già thơ phú lăng nhăng”. Nhưng cũng lạ, trong Trò chuyện với hoa Thủy tiên ai cũng nghĩ Nguyễn Huy Thiệp không đội trời chung với các nhà thơ nhưng ông lại là người rất hăng say đưa thơ mình vào truyện ngắn và đặc biệt viết bài ca ngợi một số nhà thơ có lúc còn “lăng nhăng” chẳng kém gì. Mấy lần tôi định hỏi ông điều mình băn khoăn nhưng cứ gặp ông lại quên. Có lẽ đó cũng chẳng là cái gì quan trọng nên người ta không nhớ. Trong thực tế Nguyễn Huy Thiệp là một người có giọng nói rất nhỏ nhẹ và đôi lúc lập cập. Thế mà khi viết ra thì văn ông sắc lạnh như dao cạo và chẳng nể mặt mũi ai. Khoảng một năm trở lại đây, mỗi khi gặp ông tôi lại nghe ông than thở như một nhà văn hết thời. Than thở đủ thứ. Ông ngồi thu mình trong bộ sa-lông mềm như sợ cả một con muỗi bay qua. Đúng là có một cái gì đó bắt đầu già nua, yếu đuối và trống vắng trong con người vốn chẳng còn biết sợ ai ngoài sợ Trời. Quả thực, đối với nhiều nhà văn thì sự xuất hiện của ông với tiểu thuyết làm họ hỉ hả. Tôi đã nghe có nhà văn kêu lên : “Nguyễn Huy Thiệp xong rồi”. Cái từ xong rồi trong tiếng Việt nó lắm nghĩa lắm. Tất nhiên cái nghĩa ở đây là Nguyễn Huy Thiệp đã kết thúc văn nghiệp của mình rồi. Lại có ối nhà văn, nhà phê bình kêu lên: “Nguyễn Huy Thiệp đâu có biết viết tiểu thuyết”. Với nhiều nhà văn thì Nguyễn Huy Thiệp giữ ghế Chủ soái trong làng văn xuôi lâu quá. Thế là trong khi bạn đọc buồn chán và có những thất vọng vì tiểu thuyết của ông thì không ít nhà văn lại thở phào “kê gối cao mà ngủ”. Có nhiều người nói ngay cả nhà văn Nguyên Ngọc, người từng phát hiện ra truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, giờ cũng quên Nguyễn Huy Thiệp và đang “chuyển hướng” vào Đỗ Hoàng Diệu. Chính trong ngôi nhà cũng là Gallery của Lê Thiết Cương, người con trai cả của Nguyễn Huy Thiệp đã làm triển lãm tranh đầu tiên của anh – họa sĩ Nguyễn Bách. Hồi đầu Bách làm tượng. Lê Thiết Cương đến nhìn qua một lượt và nói một chữ: Bỏ. Bách bỏ làm tượng và vẽ tranh. Lê Thiết Cương lại đến xem tranh Bách vẽ giai đoạn đầu và lại nói đúng một chữ: Bỏ. Bách lại bỏ. Lần thứ ba Lê Thiết Cương đến xem tranh Bách và nói hai chữ: Triển lãm. Bách triển lãm. Bách triển lãm mấy chục bức tranh sơn dầu chỉ vẽ mặt người. Tôi từng chứng kiến những vị khách nước ngoài đến nhìn vào những gương mặt tai tái, nhàu nhĩ và như lạc khỏi cái đời sống hiện đại rồi rút tiền trong ví mua tranh. Họ sẽ treo những bức tranh này trong những ngôi nhà ở châu Âu, châu Mỹ của họ. Họ tìm thấy gì trong từ những gương mặt hình như chẳng có can dự gì vào đời sống của họ? Nghệ thuật luôn luôn có những lối đi không hiểu nổi. Có phải vì thế mà nó quyến rũ con người chăng? Lần đầu tiên xem tranh Bách, tôi nghĩ tôi đã gặp những cái mặt kia ở đâu đấy trong đời mình. Cho đến bây giờ nếu có lúc nào nghĩ đến tranh Bách vì cơn cớ gì đấy thì tôi lại thấy hiện ra một gương mặt duy nhất: mặt Nguyễn Huy Thiệp. Đây không phải là cách nói hú họa. Mặt Nguyễn Huy Thiệp là mặt của số phận. Phải chăng mặt của Nguyễn Huy Thiệp là ám ảnh lớn nhất của Bách. Không biết Bách có tìm thấy mối liên hệ giữa cha mình và cảm hứng sáng tạo của anh không, nhưng tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp chính là một hiện thực phong phú và đầy bất trắc cho sự sáng tạo của Bách mà cả Bách lẫn cha Bách không bao giờ để ý tới. Bởi từ khi mở mắt lần thứ nhất thì một trong hai gương mặt hiển lộ rõ nhất và ám ảnh nhất của mỗi con người là cha mẹ anh (chị) ta. Tôi nghĩ sao Bách không một lần thử quay lại nhìn mặt cha mình trong khuya khoắt. Nhìn và hỏi một câu gì đó như hỏi một người chưa gặp. Nhìn và hỏi… Thử một lần xem sao. Trong các họa sĩ, Lê Thiết Cương là người viết rất nhiều. Anh viết về hội họa. Đương nhiên là như thế. Viết về những vấn đề nghệ thuật. Cũng đương nhiên là như thế. Nhưng anh còn là một người viết truyện ngắn có một giọng điệu riêng. Tôi nghĩ việc viết về ngôi nhà số 39 và những vị khách phải được viết bởi chính anh chứ không phải tôi đang viết những dòng có vẻ cảm tính này. Một ngày nào đó, anh nên ngồi xuống khi tóc đã bạc trắng và kể lại những gì đã diễn ra trong ngôi nhà này vì anh có một trí nhớ đáng nể và công bằng. Một người thư ký sẽ gõ máy ghi lại câu chuyện của anh. Ví dụ: Nhà văn Nguyễn Việt Hà, người đã xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 5 về tôn giáo. Tôi không hiểu vì sao khi đã già, Hà không nói nhiều như hồi còn trẻ. Hồi ấy Hà hay đến nhà tôi và có lúc dẫn theo cả một Cha xứ. Thế là trong suốt mấy tiếng đồng hồ tôi cứ lẫn lộn Hà là Cha xứ hay Cha xứ kia là nhà văn. Vì Cha xứ thì nói chuyện văn chương như một nhà văn từng trải còn Hà lại bàn đến Đức tin và Giáo dân như một Linh mục nhưng lại cắt tóc ngắn và uống rượu như thợ hồ mùa hè uống trà đá. Hình như Hà có học trường Dòng. Tôi ngờ ngợ thông tin này nhưng cũng chẳng cần kiểm tra lại. Anh là người chơi rất thân với nhiều Cha xứ. Có lẽ thế mà anh viết Cơ hội của Chúa chăng? Nguyễn Việt Hà là người có khả năng nói liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ mà người nghe không chán. Tôi nghĩ anh cứ mang một cái ghi âm kỹ thuật số để ghi lại tất cả những gì anh nói rồi in nguyên văn như thế thành sách có khi lại là một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi cho các nhà phê bình cả nước. Nhiều cuộc uống rượu có cả nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự từ đầu đến cuối. Ông này không uống rượu mà chỉ hút thuốc và nghe Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà nói về văn xuôi đương đại Việt Nam. Hà bảo chiếu văn xuôi Việt Nam không có Nguyễn Quang Thiều. Chỉ có ba “cụ” tiên chỉ: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà và Bảo Ninh. Thiều cười. Hà là người thẳng thắn. Ông Thiều có vẻ thích tính thẳng thắn của Hà. Ông Thiều đã bỏ viết tiểu thuyết hơn mười năm trước và bỏ viết truyện ngắn dăm sáu năm nay. Thiều bảo ông chẳng viết được gì hay hơn những truyện ông đã viết. Tốt nhất là bỏ. Nhưng ông này lại viết những bài thơ văn xuôi dài gần 100 trang A4. Không biết ai sẽ đọc nó. Có nhiều nhà thơ nói thời đại của những bài thơ dài đã chết. Nhưng tôi thấy nó vẫn sống dai dẳng ít nhất trong một con người. Kẻ đó là Thiều. Phải chăng Thiều là một trong những kẻ tự mê dụ như chính ông đã viết về phép tự mê dụ trên báo Tiền phong Cuối tuần mấy chục năm trước thì ông mới có thể mộng du trong một bài thơ dài kinh khủng như thế mà không thấy sợ. Cái đoạn hồi ức giả tưởng của Lê Thiết Cương nói trên là đúng sự thật. Tôi là nhân chứng của đoạn hồi ức giả tưởng đó. Trong khi các nhà văn nói mê man và hút thuốc không ngưng nghỉ thì chủ nhà lại ngồi im lặng. Trước kia, Lê Thiết Cương có một bộ bàn ghế cổ để tiếp khách trên tầng hai. Nhưng rồi anh thay vào đó một bộ sa-lông rất hiện đại mềm như gió. Tôi hơi ngạc nhiên vì sự thay đổi này của Lê Thiết Cương. Anh giải thích khách của anh có lúc ngồi chơi và đàm đạo nghệ thuật rất lâu. Để họ ngồi lâu như thế trên ghế gỗ cứng thì rất mỏi và mệt. Nhưng sa-lông mềm thì họ có thể ngả người ra như nằm để thư giãn gân cốt. Lê Thiết Cương quả tinh tế và chiều khách. Tôi nhiều lần tự hỏi khách khứa tràn lan như thế suốt ngày này tháng nọ thì Lê Thiết Cương suy ngẫm để viết và vẽ khi nào. Nhưng rồi tôi phát hiện ra anh suy ngẫm và sáng tác trong khi vẫn ngồi nghe khách nói chuyện ồn ĩ. Tôi phát hiện vì tôi đã quan sát nhiều lần như thế và tôi thấy mặt Cương trôi lãng đãng trong tư duy. Cảm giác này có thật chứ không phải tôi thần bí hoá. Sự im lặng như tập trung lắng nghe cao độ của Lê Thiết Cương khi khách đang vung chân múa tay nó giống như khả năng tự thoát xác của các Thiền sư. Thân xác vẫn ngồi đó với những cử chỉ không lạc lõng với đám đông nhưng tinh thần thì đang trong một thế giới khác mà không ai quấy rầy được. Và thế là khi khách vừa ra về thì Lê Thiết Cương ngồi vào trước giá vẽ hoặc trước bàn viết và thực hiện công việc ngay lập tức. Vì công đoạn quan trọng nhất của một bài viết hay một bức tranh anh đã thực hiện xong: viết và vẽ trong lòng mình rồi chỉ việc photocopy nó ra giấy ra toan. Bởi thế anh vẽ được quá nhiều tranh, viết quá nhiều bài và làm quá nhiều những việc khác. Lê Thiết Cương đang chuẩn bị làm một bộ phim mà kịch bản được viết từ một truyện ngắn của anh. Hình như bộ phim liên quan đến ngôi nhà số 39. Vẫn là ngôi nhà ấy. Tôi đợi xem bộ phim đó vì tôi muốn nhìn thấy ngôi nhà ấy trong một không gian khác nữa. Kinh phí dự trù cho bộ phim này khoảng một triệu rưỡi đô la. Có hai người khác cùng góp vốn với anh. Họ sẽ mời một ngôi sao điện ảnh thế giới người châu Á. Tôi được cho biết tên của nữ siêu sao điện ảnh này nhưng không được phép nói ra. Nhưng tôi tin bạn đọc thừa biết đó là ai. Cát-sê của nữ diễn viên này cho mười phút xuất hiện trong bộ phim gần một triệu đô la. Nhưng diễn viên này nói sau khi đồng ý đóng phim rằng: Tôi đồng ý chỉ vì một lý do là tôi muốn đến Vịnh Hạ Long. Với Việt Nam tôi chỉ biết mỗi Vịnh Hạ Long. Vì trong phim có cảnh quay ở Vịnh Hạ Long. Tôi không biết bộ phim này có thực hiện được không và nếu thực hiện nó có là một bộ phim hay không. Nhưng điều đáng nói là những người làm bộ phim này đã cho chúng ta thấy không thể ăn xổi ở thì được. Điều này hoàn toàn đúng thái độ và phong cách làm việc của Cương: Để làm một việc đàng hoàng thì phải có một sự chuẩn bị đàng hoàng. Nghệ thuật không có sự ăn may. Rồi lại đến ngày Lê Thiết Cương già nua. Ông ngồi xuống, ho khẽ, tất nhiên không ho như các diễn viên điện ảnh Việt Nam khi diễn tả một người già mà ta đã nhìn thấy quá nhiều lần trong phim truyền hình và không chịu nổi, để đọc cho thư ký ghi một đoạn hồi ức khác: Tôi không đồng ý một bài báo của Thiều in trên tạp chí Tia Sáng từ gần bốn chục năm trước khi ông viết về ảnh hưởng của Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và tuyển truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp khi dịch ra tiếng Anh và in ở nước ngoài. Thiều nói cứ 100 người nước ngoài đọc Bảo Ninh thì có 1 người đọc Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cam đoan Thiều biết được “trục trặc” giữa hai nhà văn này nên mới viết như thế. Nhưng Thiều là một tay rất khôn và thường tìm ra một lý do gì đó rất hợp lý. Bây giờ cả ba ông này đã thành người thiên cổ. Thi thoảng tên của ba ông cũng được nhắc đến trong một trường hợp nào đó. Bạn đọc bây giờ chẳng mấy ai còn tìm đọc tác phẩm của ba ông nữa. Có bao nhiêu nhà văn đang quyến rũ họ. Nhiều buổi tối tôi đi qua giá sách nhà mình và dừng lại nhìn gáy sách. Những cái tên thân thuộc một thời hiện ra ở đó. Chỉ nhìn thôi và không đọc lại. Nghệ thuật kỳ diệu và khắc nghiệt vô cùng. Nó sinh ra tên tuổi nghệ sĩ và cũng xóa đi tên tuổi họ khi tìm được lý do. Có thể tôi cũng khôn trong một lúc nào đấy và ở một lĩnh vực nào đấy. Nhưng khôn mà để cho thiên hạ biết khôn thì lại là dại rồi. Nhưng mình đấy mà nhiều khi mình lại không kiểm soát được mình. Thực ra thì tôi không biết gì chuyện “trục trặc” giữa hai “ông kễnh” văn xuôi đương đại Việt Nam này cả. Nhưng nghe Cương nói tôi cứ cười cười. Cương là người luôn luôn tìm đến ngọn ngành của mọi vấn đề còn tôi thì coi mọi chuyện cứ như dội những gàu nước vào đầu theo kiểu tắm của lính trong trại thời chiến tranh. Tôi sẽ lại vẫn đến nhà 39 Lý Quốc Sư vào lúc gần trưa như trước. Lại đi vòng quanh các căn phòng để xem những bức tranh mới và những đồ gốm mới. Lại dừng lại và không cưỡng được nỗi thèm muốn chiếm hữu một cái gì đấy. Lại được ngồi xuống chiếc sa-lông mềm để im lặng nghe những người khách văn chương chuyện trò ồn ĩ trong mù mịt khói thuốc và mùi của John vàng, và lại thấy gương mặt Cương lãng đang trôi trong suy ngẫm nhưng tay vẫn cầm chai rượu rót không thiếu một ly nào… Nguyễn Quang Thiều
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|