Từ xu hướng "teen hóa" khi đưa hình tượng các nhân vật nổi tiếng vào đề thi như Thor, Kim Tan, Ngọc Trinh... cho đến những đề thi không có lời giải, đề thi ẩu tả đến độ cho cả đáp án vào đề thi, liệu thầy cô đang quá "xem nhẹ" các kỳ thi?
Từ xu hướng "teen hóa" khi đưa hình tượng các nhân vật nổi tiếng vào đề thi như Thor, Kim Tan, Ngọc Trinh... cho đến những đề thi không có lời giải, đề thi ẩu tả đến độ cho cả đáp án vào đề thi, liệu thầy cô đang quá "xem nhẹ" các kỳ thi?
Khi người nổi tiếng và cả siêu anh hùng được "bước vào" đề thi
"Tình yêu không thể thiếu sự chân thành cũng giống như học vật lý phải biết ba định luật Niu-tơn. Em hãy phát biểu và viết hệ thức của định luật II Niu-tơn."
"Mọi vật đều có sự hấp dẫn, từ cô bánh tráng trộn các em thích đến anh chàng Kim Tan các bạn gái mê mẩn, họ đều có sức hấp dẫn. Em hãy phát biểu và viết hệ thức của định luật vạn vật hấp dẫn để làm rõ luận điểm trên."
"Chiếc khiên của Captain America bán kính 60cm quay đều 10 vòng trong thời gian 1s. Tìm tốc độ dài và gia tốc hướng tâm của một điểm trên vành khiên."
"Chiếc búa của Thor rơi tự do từ độ cao 80m xuống mặt đất. Hãy tính thời gian vật rơi và vận tốc vật khi chạm đất."
Là những nội dung nằm trong kỳ thi cuối kỳ môn Vật Lý lớp 10 của một trường THPT ở Thanh Hóa năm 2013. Nội dung "bá đạo", lời đề bài "teen hóa" và mang tính cập nhật xu hướng là những ý kiến mà hầu hết mọi người đưa ra để nhận xét về đề bài này. Thế nhưng, liệu những đề bài thế này có làm các em học sinh giảm áp lực, căng thẳng khi làm bài thi hay không. Hay lại phản tác dụng khiến các em xao nhãng, mất tập trung vào bài thi của mình?
Hình ảnh đề bài thi "bá đạo"
Khi đề thi được thầy cô "chơi chữ" để "thách đố" học sinh
Một đề bài trong một kỳ thi Toán của học sinh lớp 4 có nội dung như sau: “Một cửa hàng ngày thứ nhất bán được 4326 kg gạo, ngày thứ hai nếu bán thêm được 32 kg thì sẽ bán hơn ngày thứ nhất 100 kg, ngày thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg gạo. Hỏi cả ngày cửa hàng bán được bao nhiêu kg gạo?”
Mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra được cách đặt câu hỏi mập mờ, thiếu logic và "đánh đố" học sinh trong đề bài này như “Ngày thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg gạo” là kém ngày thứ nhất hay thứ hai và “Hỏi cả ngày cửa hàng bán được bao nhiêu kg gạo” là hỏi riêng ngày thứ 3 hay là cả ba ngày?
Hình ảnh đề bài thi được thầy cô "chơi chữ" để thách đố học sinh
Có vẻ như các thầy cô cho rằng các em học sinh mới chỉ lớp 4 "thiên tài" đến độ có thể tìm ra được đáp án của đề bài mà có lẽ ngay cả người ra đề cũng không biết cả đáp án.
Các kỳ thi đối với các em rất quan trọng, bởi nó đánh giá cả một quá trình học tập nghiêm túc trong một thời gian dài của các em. Thế nhưng, liệu các thầy cô có bao giờ nghĩ đến điều đó trước khi đặt bút ra đề không hay chỉ ra đề một cách đánh đố, thiếu cẩn thận như vậy? Đề thi không phải là một trò "chơi chữ" để các thầy cô "thách đố" học sinh đâu, thầy cô ạ!
Khi đề thi có cả đáp án "giúp" học sinh khỏi phải động não
Trong phần thi liên môn Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu câu lạc bộ "Môn học mà em yêu thích", nhằm tìm ra những học sinh có năng khiếu ở các môn học.
Tuy nhiên, trái với tiêu chí ra đề thi ban đầu là các em phải có đam mê tìm tòi, khám phá và động não suy nghĩ, các phụ huynh khá bức xúc khi phát hiện đề thi được ra một cách “lỏng lẻo” đến mức đáp án ghi sẵn ở câu hỏi, không hề khiến học sinh phải động não một chút nào.
Hình ảnh đề bài chính thức với nội dung ẩu tả, hời hợt
Cụ thể, đề bài như sau: “Nước Đại Việt ta” trích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, hãy chọn đáp án đúng nhất. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lại là: "Tác giả của văn bản là ai?" Sau đó đưa ra các đáp án là "Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiếp". Trong đề bài đã có đáp án rồi thì còn đặt câu hỏi làm gì nữa???
Để cho "ra lò" những đề bài hời hợt, ẩu tả thế này, phải chăng các thầy cô đang dần "coi nhẹ" các kỳ thi và đang dần trở nên thiếu trách nhiệm với công việc giáo dục của mình?
Các em học sinh là cả một thế hệ tương lai của đất nước, thế mà lại được "rèn luyện" sự ẩu tả trên chính ghế nhà trường. (Hình minh họa)
Sai sót là điều mà ai ai cũng phải chấp nhận trong cuộc sống. Thế nhưng, có những sai sót, đặc biệt là trong nghề giáo, sẽ có thể mang đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, mà nó có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai. Với những đề văn từ hời hợt đến ẩu tả, vô trách nhiệm như vậy, liệu những người lái đò có thể đưa các thế hệ học trò của mình đáp bến "an toàn"?