Đăng nhập



Bạn đọc mới gửi

Nghệ sĩ Đức Lưu: Mất tên vì… Thị Nở PDF. In Email
VĂN HOÁ - Hậu trường

Nghệ sĩ Đức Lưu: Mất tên vì… Thị Nở Nghệ sĩ Đức Lưu dẫu không đi trọn con đường sân khấu - điện ảnh, nhưng với vai Thị Nở trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", tên tuổi của chị vẫn mãi ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Một chiều đầu hạ, chị hẹn gặp tôi ở quán cà phê cho tiện chuyện trò vì đã gần một năm nay, chồng chị là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học ngành hóa dầu Trần Hạ Phương bị tai biến nằm liệt một chỗ. Chị cảm thấy việc tiếp khách ở nhà thật không tiện cho cả chủ lẫn khách...

Lần đầu tôi được gặp chị, nghệ sĩ Đức Lưu đã đính chính ngay: "Mình không phải là nghệ sĩ ưu tú như một số báo vẫn viết đâu nhé! Chỉ nhờ vai diễn Thị Nở để đời, mà có người còn nhầm tưởng mình là… nghệ sĩ nhân dân nữa cơ đấy!".

Khi vào vai Thị Nở, nghệ sĩ Đức Lưu đang là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội và đã có nhiều vai diễn ghi dấu ấn như vai Mận trong "Những cô gái nông trường", vai Nga trong "Đêm tháng 7", vai Enny trong "Con tôi cả", Duyên trong "Người giám khảo cuối cùng", Thúy Trinh trong "Ngôi sao ban ngày"…

Với nghệ sĩ Đức Lưu, gần 30 năm kể từ khi hóa thân vào nhân vật Thị Nở, rất nhiều niềm vui nhưng cũng không ít phiền toái đã đến với chị. Chị kể rằng, phải mất hàng chục năm sau khi bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" công chiếu, đời sống của chị và gia đình mới lấy lại được cân bằng. Chính chị cũng không thể ngờ rằng, vai diễn ấy lại có sức sống mãnh liệt đến thế trong lòng khán giả.

Nghệ sĩ Đức Lưu còn nhớ, vào một buổi trưa hè, NSND Phạm Văn Khoa đến gặp chị và nói: "Anh muốn mời em vào vai Thị Nở nhưng không biết em có đủ dũng cảm không?". Không ngần ngại, nghệ sĩ Đức Lưu trả lời ngay: "Em chỉ sợ em không đủ tài, chứ lòng dũng cảm thì em có thừa!".

Đến khi lên Hãng phim truyện quay thử, mọi người trong đoàn đều cười ồ phấn khởi: "Thị Nở đây rồi!". Trước đó, đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa mất cả năm trời đi tìm người vào vai Thị Nở và Đức Lưu là người thứ 7 được ông mời đến để thử vai (trong đó có cả Trà Giang, Lịch Du…).

Chọn được Thị Nở rồi, đạo diễn Phạm Văn Khoa cùng "cô Nở" Đức Lưu về quê nhà văn Nam Cao ở Lý Nhân - Hà Nam để thắp hương xin phép cụ Nam Cao cho chính thức bấm máy bộ phim được nhà văn Đoàn Lê chuyển thể từ ba tác phẩm tiêu biểu của nhà văn là "Chí Phèo", "Lão Hạc" và "Sống mòn".

Mỗi lần có cảnh quay, phải mất hàng tiếng đồng hồ để hóa trang cho Đức Lưu từ một diễn viên xinh đẹp có tiếng bấy giờ với khuôn mặt bầu bĩnh, da trắng, tóc đen mướt dài… trở thành người đàn bà xấu nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Nghệ sĩ Đức Lưu: Mất tên vì… Thị Nở _0
Nghệ sĩ Đức Lưu: Mất tên vì… Thị Nở _1
Nghệ sĩ Đức Lưu và bạn diễn - nghệ sĩ Bùi Cường trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy"

Hàm răng đen được đạo diễn Phạm Văn Khoa "đặt hàng" từ Bệnh viện Việt-Đức, hai bên má Đức Lưu phải ngậm bông băng sao cho bạnh ra, bề ngang rộng hơn bề dài, cái mũi to được đắp thêm bằng cao su có bôi phẩm đỏ, vẽ cặp môi sao cho thật dầy… Những lần đầu còn chưa quen, nghệ sĩ Đức Lưu và nghệ sĩ Bùi Cường - người vào vai Chí Phèo cứ nhìn thấy nhau là cười rũ ra, đến nỗi không thể diễn được.

Nghệ sĩ Đức Lưu kể: "Khi diễn đoạn Thị Nở ra sông lấy nước, nhìn thấy mặt mình đưới sông, tự nhiên mình bật cười sặc sụa, cười đến nỗi rơi cả hàm răng giả xuống sông. Báo hại mấy anh em trong đoàn làm phim phải mò mãi mới thấy".

Trong phim có một cảnh "làm khó" Đức Lưu, đó là cảnh Thị Nở phải khoe bộ ngực trần trong vườn chuối dưới ánh trăng sáng như ban ngày. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đành phải tìm một diễn viên đóng thế là một người mẫu nude ở trường Đại học Mỹ thuật và đây cũng là cảnh khó nhất, phải quay tới 8 đúp mới xong.

Cũng chính vì có cảnh này trong phim (lúc bấy giờ là một tình tiết gây sốc) nên phim phải chờ duyệt lên duyệt xuống rất lâu, cả đoàn làm phim nín thở chờ đợi. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên cắt bỏ đoạn này, vì sợ nó có ảnh hưởng không tốt đối với tầng lớp thanh niên. Nhưng đồng chí Trường Chinh khi xem phim đã nói: "Nếu cắt đi còn gì là phim nữa!". Cả đoàn làm phim thở phào nhẹ nhõm. Phim được nhân ra làm 7 bản chiếu ở khắp các rạp Hà Nội, người đi xem đông như ngày hội.

Nghệ sĩ Đức Lưu cho biết, ngay khi biết mẹ được mời vào vai Thị Nở, các con trai của chị đã phản ứng dữ dội, nhưng chị vẫn quyết tâm làm bởi chị biết rằng rồi các con sẽ hiểu. Đến khi duyệt phim, chị mời chồng con đi xem nhưng hai con không đi. Về sau, khi phim công chiếu rồi, xem phim, các con chị còn khóc vì thương sự xả thân vì nghệ thuật của mẹ. Chỉ có điều, chúng thường bị bạn bè cùng trường trêu ghẹo trong một thời gian dài.

Có buổi ra chơi các bạn ùa ra hò nhau: "Đi xem mặt con của Thị Nở, Chí Phèo chúng mày ơi!" khiến cháu nhiều lần xấu hổ, tức giận đến nỗi không ít lần suýt đánh nhau với bạn. Con trai lớn của chị năm đó đang học lớp 10 trường Chu Văn An, có hôm về nhà giận dỗi bảo mẹ: "Con mà đánh nhau, không được vào Đoàn, không được thi Đại học là không phải lỗi tại con!".

Còn với nghệ sĩ Đức Lưu, chị cũng gần như mất cái tên cha sinh mẹ đẻ từ đó. Đi đến đâu người ta cũng gọi chị là Thị Nở thay tên: "Thị Nở đi chợ à? Thị Nở đi đâu đấy? Nhà Thị Nở đây này! Cho xin bát cháo hành cô Nở ơi!...". Căn nhà riêng của gia đình chị cũng được rất nhiều người tò mò ngó nghiêng, khiến chồng chị phải mua bức mành về treo trước cửa và đó trở thành vật bất biến trước nhà chị trong nhiều năm liền.

Nghệ sĩ Đức Lưu: Mất tên vì… Thị Nở _2
Nghệ sĩ Đức Lưu và nghệ sĩ Bùi Cường bây giờ

Nhưng cũng có khi vì quá yêu mến mà các bà các cô bán hàng ngoài chợ còn tặng chị khi thì con cá, khi thì mớ rau. Có sinh viên trường Đại học Mỹ thuật sau khi xem phim đã vẽ tặng chị hai bức tranh Chí Phèo - Thị Nở rất có hồn. Chị tặng lại đạo diễn Phạm Văn Khoa một bức, giữ lại cho mình một bức.

Đặc biệt hơn, sau khi bộ phim công chiếu, chị được một số họa sĩ danh tiếng như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Đông Lương chọn làm người mẫu vẽ. Chỉ có điều, họ thường vẽ về nhân vật… Thị Nở trong phim chứ không phải đời thường.

Chị có một bức tranh quý do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tặng ghép vào một bối cảnh chèo rất đẹp. Tiếc là khu nhà chị ở thường xuyên bị ngập lụt nên bức tranh đã bị phai màu, không khắc phục được. Sau này, có một nhà sưu tầm tranh ở TP HCM đã mua nó với giá 5.000 USD và hiện đang trưng bày tại một bảo tàng tư nhân trên đường Nguyễn Huệ với giá rao bán lên tới 50.000 USD.

Nghệ sĩ Đức Lưu tâm sự: "Bán bức tranh đi mình cũng buồn, cũng tiếc. Nhưng mình không biết cách bảo quản, rồi nó cũng hỏng mất. Hơn nữa, lúc ấy mình nghèo quá, lại có người tha thiết hỏi mua nên đành bán đi. Chỉ còn chiếc áo màu xanh lục mình mặc hôm đó cho họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ là vẫn còn giữ được đến bây giờ".

Sau vai diễn ghi dấu ấn không dễ quên ấy, nghệ sĩ Đức Lưu rời sàn diễn theo yêu cầu của cấp trên sang làm công tác đối ngoại tại Ban Dân vận của Thành ủy Hà Nội. Ở cương vị mới, nhưng khi giới thiệu về chị, người ta vẫn thường nói: "Đây là chị Đức Lưu, người đóng vai Thị Nở!", và cái tên Thị Nở vẫn đeo bám chị đến tận bây giờ.

Đi sang làng gốm Bát Tràng, chị vô cùng ngạc nhiên thấy tượng gốm Chí Phèo - Thị Nở minh họa hình ảnh trong phim bày bán khắp nơi. Mỗi dịp rằm Trung thu, mặt nạ Thị Nở được bán rất nhiều trên phố, đến nỗi cháu nội của chị cũng đòi: "Bà nội ơi, mua cho cháu mặt nạ… Thị Nở đi!".

Không chỉ mình chị, mà các bạn diễn của chị năm xưa như NSƯT Bùi Cường cũng thường bị gọi là "anh Chí", nghệ sĩ Mạnh Sinh thường bị gọi là "Bá Kiến", rồi "lão Hạc" Kim Lân, "giáo Thứ" Hữu Mười. "Làng Vũ Đại ngày ấy" có lẽ là bộ phim có nhiều diễn viên bị "chết tên" nhất. Với các diễn viên, đó thực sự là điều may mắn, bởi như nghệ sĩ Đức Lưu chia sẻ rằng: "Dù có hy sinh nhiều hơn thế nữa, mình cũng sẵn sàng!".

Nghệ sĩ Đức Lưu: Mất tên vì… Thị Nở _3
Nghệ sĩ Đức Lưu (trái) bên bức tượng Chí Phèo - Thị Nở

Những nghệ sĩ tham gia bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" nhiều người nay đã mất. Những người còn sống vẫn liên lạc với nhau thường xuyên và giữ được tình cảm đẹp.

Mỗi khi các nghệ sĩ có dịp gặp nhau, bao giờ họ cũng nhắc lại những kỷ niệm năm nào và tất cả lại cùng cười vui. Còn nhà văn Đoàn Lê và nghệ sĩ Đức Lưu vốn là bạn học cùng ở lớp diễn viên khóa 1 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, đến nay vẫn là một cặp bạn già ăn ý, coi nhau như chị em.

Cách đây ít lâu, nghệ sĩ Đức Lưu cùng nhà văn Đoàn Lê, Bùi Cường, Mạnh Sinh… có một chuyến đi về lại quê hương nhà văn Nam Cao - nơi khai sinh ra Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc, giáo Thứ… Nghệ sĩ Đức Lưu ngạc nhiên thấy miền quê nghèo nơi chị cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa về thăm năm nào nay đã đổi khác rất nhiều nhà cửa, đường sá khang trang sạch đẹp.

Đặc biệt là khi biết tin có đoàn nghệ sĩ làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" về thăm, bà con dân làng, già trẻ gái trai nô nức kéo nhau đi xem để tận mắt nhìn thấy Chí Phèo - Thị Nở ngoài đời. Nhiều cô bác xúm lại hỏi han: "Làm thế nào mà người ta hóa trang được chị thành… xấu thế nhỉ?..."

Theo VNCA.

 

Bài mới đăng

Ai đang xem

Hiện có 513 khách Trực tuyến

Bài viết liên quan

Lịch Bài viết

< Tháng 11 2009 >
Th Th Th Th Th Th Ch
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30