NSƯT Chí Trung: "Tôi đỡ bần tiện nhiều rồi!" |
![]() |
![]() |
![]() |
VĂN HOÁ - Hậu trường | |||||||||
Vì tiền, có lúc anh xông xênh thoải mái, nhưng cũng có lúc ngửa mặt nhìn căn nhà trống hoác với gánh nặng nợ nần đè nặng trên vai và khóc... - Thăng trầm với đủ nghề tay trái để kiếm tiền. Tiền - trong quan niệm của anh? Tiền là tiên là Phật, là sức bật của con người, nụ cười của tuổi trẻ, sức khỏe của tuổi già, cái đà của danh vọng, cái lọng để che thân, cái cân của công lý... Ôi tiền... hết ý! (cười). - Giá trị thực của tiền với anh là gì? Để cuộc sống tốt hơn, để vợ đỡ cằn nhằn... hay để chứng tỏ mình là đàn ông? Với tôi, tiền cần để trang trải cuộc sống, là động lực phấn đấu trong công việc và phương tiện để tôi đạt được nhiều điều trong cuộc sống. - Anh đã từng nói rằng khi mới cưới, anh rất nghèo... Vậy, vợ anh (NSƯT Ngọc Huyền - PV) có hay cằn nhằn, chì chiết vì tiền không đủ trang trải cuộc sống? Vợ tôi trước đây là con nhà giàu, con gái phố Huế chính gốc. Theo thành ngữ của dân Hà Nội thì "Phố Huế ngồi ghế salon, làm ông tất cả". Chính vì vậy, cô ấy là "nhà tài trợ" chính cho tôi trong suốt 7 năm trời yêu nhau, toàn lấy tiền của bố để nuôi tôi. Của ngon vật lạ như chim quay gà tần cũng nhờ cô ấy tôi mới biết nó như thế nào đấy chứ (cười). Hồi ấy tôi nghèo lắm, vào đời chỉ có hai bàn tay trắng và tham vọng thôi. Không dám gọi là khát vọng, bởi khát vọng là mỹ từ thôi chứ bản chất là lòng tham (cười). Tôi cũng đã năm lần bảy lượt từ chối cô ấy mà không được bởi cô ấy cứ quyết tâm đòi lấy đấy chứ. Vì lúc đó mình tự ti, cô ấy con nhà giàu mà mình thì... Lúc cưới rồi thì cũng khó khăn lắm, sinh con ra hai vợ chồng cố gắng đạt chỉ tiêu 1 tháng phải có một hộp sữa cho con, rồi tôi đi làm đủ nghề... Tuy vậy, 31 năm sống bên nhau, cũng có lúc khó khăn cùng cực, nhưng chưa bao giờ cô ấy cằn nhằn hay chì chiết chồng vì chuyện tiền nong cả. - Đã bao giờ anh cảm thấy mình hèn vì không có tiền? Nói chung cái nỗi nhục khi không có tiền nó đeo đẳng suốt cuộc đời và ai cũng thế thôi. Có một chuyện liên quan đến cả đoàn kịch của tôi, đó là khoảng hơn chục năm trước trong một chuyến công tác lên Tam Đảo. Chỗ chúng tôi ở có một cái bể bơi đẹp lắm, trời thì rất nóng, ai cũng muốn tắm nhưng khi hỏi thì thấy giá tiền là 15.000đ/ 1 người thì tự động ai nấy đều giả vờ loay hoay ngắm cảnh chút xíu rồi bỏ đi vì đang rất hào hứng. Khoảng 4-5h chiều, cả đoàn vẫn kiếm cớ loay hoay gần khu vực đó. Thấy mình kiên gan hơn, chủ bể bơi đó đành xuống nước bảo: "Thôi được, giảm cho còn 5.000đ/1 người đấy, vào mà bơi". Cả đám thấy vậy liền nhào vào bơi hì hà hì hụp với nhau dù lúc đó trời về chiều lạnh lắm rồi, rét ơi là rét... Cái nghèo đi đôi với cái hèn. Tôi nói với bạn như vậy bởi ở đây chúng ta đang trao đổi trong phạm vi hẹp là tiền. Chứ còn giàu hay nghèo, sang hay hèn còn là một phạm trù cần phải nói dài... - Món tiền đầu tiên anh kiếm được là...? Món tiền đầu tiên tôi kiếm được là... tiền mừng cưới. Lúc đó nghèo lắm, trong khi nhà vợ tổ chức 40 mâm ăn uống thì mình chỉ dám làm một mâm cơm tại nhà cho mười mấy người ngồi xệp xuống mà ăn thôi. Gần 1h đêm mới ăn uống dọn dẹp xong, hai vợ chồng hì hục mở tiền mừng cưới ra xem thì được 3 chỉ rưỡi vàng. Sướng! Thế là ngày hôm sau, tôi ra chợ mua ngay cái đài catxét Sharp về và tối hôm đó, hai vợ chồng cứ âu yếm nhau theo nhạc thôi...
- Lăn lộn với rất nhiều nghề, nghề nào với anh dễ kiếm tiền nhất? Kiếm được tiền ngoài cố gắng, cơ hội còn sự may mắn. Ta gọi là lộc đấy. Cũng may mắn là lộc cũng có tìm tới mình đôi chút. Tuy vậy, cái danh xưng nghệ sỹ hài Chí Trung với những "xô chậu" biểu diễn này nọ lại dễ kiếm tiền nhất. Nhiều nghề khác có khi phải lao động quần quật mà thu nhập của tháng cũng chí 3.000.000đ, trong khi những nghệ sỹ hài, ca sỹ, người mẫu bọn mình chỉ cần lắc cái mông, ngoáy ngoáy chọc cười vài cái là bằng người ta làm cả tháng, nên cũng có thể gọi là dễ. Tất nhiên, mọi sự so sáng đều khập khiễng, không phải ai cũng lên diễn hài được để đạt được cái độ ngang bằng đó. - Buôn đồ cổ thì sao? Nhiều người nói Chí Trung có ô tô có trang trại... là do buôn đồ cổ. Anh cũng đã từng tiết lộ có món mua rất rẻ nhưng khi bán thì rất được giá? Đồ cổ với tôi là thứ vui chơi, là đam mê. Có người nghiện cờ bạc, có người nghiện gái, có người nghiện nhậu nhẹt... tôi thì nghiện đồ cổ. Nếu nói nghiện mà mình coi đồ cổ là cơm, là rau, là cá là thịt thì sẽ bị nó nghiền nát ngay vì lúc cần thì không ai mua và lúc mua thì không ai bán. Nói chung có được như bây giờ là do hai vợ chồng tích cóp mà ra thôi. Ngẩng lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống thì cũng hơn nhiều người. - Có tiền, anh thích tiêu cho việc gì nhất? Mua đồ cổ, uống bia với bạn bè và mua đĩa nhạc. - Món đồ cổ anh mua đắt tiền nhất? 100 triệu! - Món rẻ nhất? 100 ngàn. - Anh dạy con cái ứng xử với tiền bạc ra sao? Rất may là anh chẳng phải dạy gì cả, các cháu cũng lơ là với đồng tiền lắm. Mình chỉ thỉng thoảng kiểm tra ví của chúng xem có thiếu không, thêm vào đó để chúng có thể ăn sáng hay xịp lốp xe mà không phải xin ai. Cái này nó là tính đấy.
- Anh và vợ, ai là người kiếm được nhiều tiền hơn? Vợ mình là con nhà kinh doanh nên rất giỏi trong việc kiếm tiền nhưng rủi ro thì không ai lường trước được. Tất cả tiền bạc tích lũy được đã bị một người bạn lừa hết cả. Tôi thường nói đùa với vợ là: "Số tiền phi nghĩa mà em lừa được người khác thì lại bị một người khác lừa lại. Vậy là hòa!" . Còn hiện nay, tất cả số tiền mà bọn mình tích cóp phần nhiều là do đi diễn, đóng phim... Ở vị thế của tôi hiện giờ thì có kiếm được nhiều hơn một chút. Điều đặc biệt là mình không biết mình có bao nhiều tiền bởi kiếm được đồng nào là đưa tất cho vợ giữ hết. Cứ nói đùa là nếu hai vợ chồng cãi nhau thì anh phải ra đường với mỗi chiếc quần đùi bởi mọi thứ đều đứng tên vợ. Cũng may là luật pháp quy định tài sản hai vợ chồng dù ai đứng tên thì đều chia đôi cả (cười). - Vợ anh có hay kiểm tra ví hay dò hỏi những món tiền ăn tiêu? Không bao giờ! Cô ấy tin vào khả năng kiếm tiền và tiêu tiền của tôi. Có bao nhiêu tôi đưa vợ hết nhưng vẫn giữ lại số tiền công khai để mua một vài món đồ cổ mà không phải xin tiền vợ. Thỉng thoảng cũng mở tủ ra lấy vài chục triệu để mua đồ cổ thì vợ cũng không nói gì. Vợ cũng hiểu cái gì chồng cần tiêu thì chồng mới lấy. - Từng thủ vai nhân vật "đại gia" trong phim Kiều nữ và đại gia, anh quan niệm ra sao về mối quan hệ "chân dài và đại gia" với tiền bạc là chiếc cầu nối? Chả ai là xấu cả, đó là mối quan hệ họ dựa vào nhau mà họ khai thác một cuộc sống tốt hơn thôi. Đại gia cũng có nỗi khổ là họ thèm khát về tình cảm, chân dài cũng muốn tìm một chỗ dựa vững chắc. Trong một số trường hợp nhất định thì họ hỗ trợ nhau để hoàn thiện. Mình trách có khi lại thành đố kỵ đấy! (cười). - Anh đã bao giờ đánh bạc chưa? Đó là kẻ thù lớn nhất của tôi. Tôi không cờ bạc, không lô đề, cá độ. Nhiều người cứ bảo mình lọ mọ đêm hôm thế mà không chơi thì quả là lạ. Đó là cái máu người, tôi cũng không trách, không kết tội ai. Vợ tôi cũng khoái cái trò tán lả lắm, đôi khi tôi cứ đùa là "giám đốc công ty tasla"... (cười). Chỉ có một điều duy nhất là ai làm gì thì làm, đừng ảnh hưởng tới sức khỏe, tới công việc của tập thể là được, nếu không thì chẳng xong với tôi đâu! - Anh có bao giờ làm từ thiện không? Có! Việc từ thiện lớn nhất của tôi là nuôn hai bà trên trang trại trông nhà cho tôi. Thỉnh thoảng các con của hai bà vẫn cám ơn rối rít (cười). Nói thế chứ mình cũng làm một vài công việc như giúp cho trẻ em trong trung tâm Hoa Hồng ở Lạc Trung. Nhưng làm từ thiện là ở cái "tâm" chứ không phải làm hàng, phóng viên chụp ảnh choách choách lên báo hay như nhiều người bây giờ đang làm là "event từ thiện" thì đúng nghĩa hơn.
- Anh có phải là người tiết kiệm không? Tôi là người cực kỳ tiết kiệm bởi ngày xưa đã từng ở trong cảnh nghèo. Nghèo đến mức bần tiện, giờ thì đỡ bần tiện hơn nhiều rồi (cười). - Nếu thật giàu có thì anh sẽ...? Làm chủ cuộc sống của mình, biết hưởng thụ cuộc sống cũng như biết làm từ thiện một cách đúng nghĩa. Nếu có một số tiền bắt buộc phải mua quà cho vợ, anh mua cái gì? Tôi vốn là người vụng về trong việc tặng quà cho vợ mà giờ thì lắm ngày quá. Cũng không biết cô ấy thích gì, đến ngay cả nhẫn cưới mà bọn mình cũng đã có đâu. À, tốt nhất là mang tiền về cho vợ, vợ muốn mua gì thì mua. - Một tình huống giả định nữa, nếu bây giờ anh mất sạch tài sản, thì sao? Tôi cũng đã từng mất rồi. Đó là năm 1997, một người bạn thân làm ăn vay mượn rồi xù nợ, 515 triệu lúc đó là con số lớn, quy ra được 100 cây vàng, tương đương hai căn nhà lớn tại phố Điện Biên Phủ bây giờ. Trớ trêu hơn, nó còn bao gồm cả tiền của họ hàng, bố mẹ, bạn bè gộp lại mà sau đó mình phải cáng đáng để trả nợ thay. Đau khổ, khóc mất một đêm rồi suy nghĩ lại mới thấy rằng: "Mất tiền thì được kinh nghiệm, mất vợ thì được tự do, mất hy vọng là mất tất cả". Coi như của đi thay người, mình còn sức khỏe, còn hy vọng thì còn nhiều thứ sẽ đền bù cho mình sau này. Sau đó, suy nghĩ của mình cũng thay đổi nhiều, không cho ai vay tiền, nếu cần thì cho luôn khỏi phải mượn. - Và bây giờ, anh còn đau đầu về chuyện tiền nong nữa không? Làm chủ đôi chút về cuộc sống thôi. Gần 50 tuổi, điều hạnh phúc là làm chủ được cuộc sống, được tiêu những đồng tiền sạch sẽ của mình. Thôi thì thế là thảnh thơi bởi đó là tiền của mình. Có nhiều "đại gia" ngồi trên đống tiền, là chủ nợ của khá nhiều người thật đấy nhưng đồng thời cũng là con nợ của hàng loạt ngân hàng, ăn không ngon, ngủ không yên. Mình thường nói với vợ là: Điều lớn nhất vợ chồng mình được đó là sự thanh thản. Nếu có đốt, có vứt tất cả tài sản xuống sông thì cũng không ai trách được vì đó là tài sản của chính mình. - Xin cảm ơn anh! Theo TGĐA.
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|