Châu Á tìm kiếm "một J.K. Rowling" |
![]() |
![]() |
![]() |
ĐỜI SỐNG VĂN HỌC - Đời sống văn nghệ | |||||
Giới xuất bản và các nhà văn châu Á đang hy vọng vào một phép màu có thể giúp sản sinh cho khu vực này một J.K. Rowling, vì tương lai của độc giả nhí. Bộ truyện ăn khách của tiểu thuyết gia người Anh đã mê hoặc hàng triệu người đọc châu Á. Nhưng không một nhà văn thiếu nhi châu Á nào đạt được thành công tương tự ở các nước phương Tây. Chiếm hơn nửa dân số thế giới, có tỷ lệ dân biết chữ cao, có truyền thống văn học phong phú, châu Á là một thị trường sôi động và hứa hẹn đối với các hoạt động sáng tác và xuất bản. Nhưng trên thị trường sách, các tác giả phương Tây vẫn là những người thống trị. Nhà văn châu Á thua ngay trên sân nhà. Nhiều người trong số thậm chí chỉ được độc giả trong nước tìm đọc sau khi đã ít nhiều có tiếng tại Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh đó, nhà văn Ấn Độ Anushka Ravishankar cho rằng "đây là thời điểm chín muồi cho văn học châu Á vươn lên". "Người đọc đang có xu hướng mở rộng tầm hiểu biết của mình tới nhiều nền văn hóa. Có thể ta sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi thói quen chuộng văn học phương Tây của họ. Nhưng ta sẽ làm được", Ravishankar phát biểu tại Liên hoan Văn học Thiếu nhi châu Á vừa diễn ra ở Singapore.
Theo AFP, một số nhà văn châu Á đã giành được thành công ở nước ngoài như Arundhati Roy (Ấn Độ) - tác giả của The God of Small Things hay Haruki Murakami (Nhật Bản) với Kafka on The Shore. Nhưng đến nay, rất ít nhà văn thiếu nhi châu Á vượt được ra ngoài biên giới khu vực. Giải thích cho sự chậm trễ này, ông R. Ramachandran - chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Singapore, trưởng Ban tổ chức Liên hoan - cho rằng: "Chúng ta chưa biết cách quảng bá, chưa có phương tiện phát hành, chưa có lực lượng dịch thuật đủ mạnh". Trong khi đó, bộ truyện Harry Potter của NXB Bloomsbury đã được sản xuất thành 6 tập phim, chuyển ngữ qua 67 thứ tiếng và phát hành tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tạp chí Publisher's Weekly nhận định, châu Á là thị trường đầy tiềm lực cho văn học thiếu nhi, nhờ chủ yếu vào các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Nury Vittachi, nhà văn Hong Kong cho rằng, các cây bút châu Á chưa tìm ra chìa khóa thành công cho đề tài thiếu nhi. Ông gợi ý, những câu chuyện cổ của châu Á có thể là nguồn khai thác hấp dẫn cho những câu chuyện hiện đại. Ông dẫn chứng, Shrek nổi tiếng ở phương Tây, cũng là nhân vật được lấy từ truyện cổ của họ. Còn Ravishankar lại cho rằng: "Chúng ta chưa quảng bá đủ rộng rãi. Cần phải dịch nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học châu Á ra tiếng Anh và ngược lại. Đây là vấn đề đưa tác phẩm đến với công chúng để bắt đầu cho sự phát triển ở phạm vi toàn thế giới của văn học châu Á. Chúng ta cũng cần nhiều hơn nữa những tác phẩm bàn về cuộc sống hiện đại và đề cập đến những vấn đề tuổi thơ đang phải đối mặt".
Tin cũ hơn:
|