Cùng sáng tác

  • Hãy tham gia
  • Đăng nhập
  • Bạn đọc gửi

Text-Edit2Trang Văn Nghệ Chủ Nhật - Một sân chơi cho các sáng tác trẻ, mời các bạn tham gia, hãy đăng ký tài khoản thành viên trong ít phút



Bạn đọc mới gửi

Yến Lan - Lãng đãng bóng giai nhân PDF. In Email
ĐỜI SỐNG VĂN HỌC - Chuyện làng văn

Nhà thơ Yến LanYến (ngồi)

Lan đúng là một nhà thơ tài hoa và đa tình với hàng chục bóng giai nhân đi qua cuộc đời, người tình nào cũng đẹp, mối tình nào cũng đậm. Nhưng không hợp duyên hợp phận, nên nhiều cuộc tình không đi đến cùng.

Năm 1963, tôi về nhận công tác ở Nhà xuất bản Văn học. Hồi này, NXB Văn học trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm giám đốc, và nhà nghiên cứu văn học Hoài Chân - Nguyễn Đức Phiên, làm phó giám đốc thường trực.

Tôi làm việc tại văn phòng văn học cổ điển, cận đại và dân gian, mà chúng tôi thường gọi tắt là phòng văn học Cổ - Cận - Dân. Bên cạnh phòng chúng tôi là phòng biên tập thơ, do hai nhà thơ Khương Hữu Dụng và Yến Lan phụ trách. Tôi rất quý hai ông và mê thơ Yến Lan. Hồi đó, tôi là người trẻ nhất cơ quan nên được các ông đùa gán cho con gái của mình. Cụ Dụng có bảy cô con gái, và cụ Yến Lan có ba cô. Một lần, tôi về công tác ở nông trường Ba Vì, cụ Yến Lan đã nhờ tôi chuyển một lá thư cho hai cô con gái là Bích Thuỷ và Tú Thuỷ đang đi thực tập ở nông trường với mục đích để chúng tôi làm quen.

Trong cơ quan, thường ngày qua lại giữa hai văn phòng, chúng tôi cứ bố bố con con một cách tự nhiên. Lần đầu được gần gũi hai nhà thơ nổi tiếng, có hai phong cách thơ khá khác nhau, tôi càng thấy vinh dự và quý mến trước sự giản dị, chân tình và vui tính của các ông. Các ông đang làm tuyển tập thơ Trẻ có tên là Sức Mới, gồm 50 nhà thơ trẻ có những sáng tác tốt lúc bấy giờ như Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn, Đào Cảng, Tô Hà, Vũ Ngọc Chúc (sau đổi tên là Vũ Quần Phương), Hoài Anh, Thanh Quế, Phan Thị Thanh Nhàn... Biết tôi có làm thơ, cụ Yến Lan bảo tôi chọn chép cho cụ vài bài để xem thử. Hai ông đã chọn bài Gởi Ca tu của tôi vào tập sách. Với nhà thơ Yến Lan, đây là lần đầu tôi được gặp, nhưng một số thơ của ông tôi đã được đọc:

Ơi Bình Định có thương em lẻ chiếc
Em nằm nghiêng nghe xanh biếc của trời buồn
(Bình Định)

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu
(Bến My Lăng)

Trong thơ Yến Lan đầy chất ma mị, mê hoặc người đọc, có một điều gì đó khó giải thích. Nhà thơ Yến Lan hiền lành, giản dị và dí dỏm, là thành viên của nhóm Bàn thành tứ hữu gồm bốn nhà thơ Bình Định danh tiếng thời bấy giờ: Quách Tấn (sinh năm 1910), Hàn Mặc Tử (sinh năm 1912), Yến Lan (sinh năm 1916), Chế Lan Viên (sinh năm 1920) mà họ tự phong là nhóm Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phượng. Cũng như nhà thơ Chế Lan Viên, Yến Lan sống bằng nghề tự do: dạy học tư. Dọc dải đất miền Trung, nhiều nơi ông đã dừng chân với nghề gõ đầu trẻ.

Một lần nhà thơ Yến Lan được giấy báo của bưu điện mời ra nhận tiền nhuận bút của báo nào đó gửi cho ông. Ra đến bưu điện, Yến Lan không nhận được tiền. Họ bảo Yến Lan là tên của một cô gái, còn ông là Lâm Thanh Lang, đường đường là một người đàn ông, nên họ không cho nhận. Yến Lan bực, bỏ về sau những lời trình bày dài dòng không hiệu quả. Nghe ông về kể lại, tôi bèn hỏi ông nguồn gốc của bút danh Yến Lan? Vì trước đó ông có bút danh là Xuân Khai.

Nhà thơ cho biết, bút danh Xuân Khai có từ lúc bước vào làng thơ, thời viết Bóng giai nhân với Nguyễn Bính. Sau này quen với hai cô bạn gái Thái Thị Bạch Yến và Nguyễn Thị Lan. Hai cô này rất thân nhau, hai người đã hứa hẹn sẽ lấy chung một người chồng. Khi ông yêu bà Lan, cũng là lúc hai người bạn gái ấy chia tay nhau. Cô Thái Thị Bạch Yến theo gia đình về thành phố Nha Trang và sau đó biệt tích. Còn cô Nguyễn Thị Lan thì sau này nhà thơ cưới làm vợ. Quý mối tình của đôi bạn gái, ông đã đổi bút danh Xuân Khai thành bút danh Yến Lan, tên của hai người bạn gái ấy. Với bút danh này ông đã có Bến My Lăng và nhiều thi phẩm khác đăng trên các báo Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm, Nghệ thuật…

Thấy ông trò chuyện cởi mở, tôi mạo muội hỏi, trong cuộc đời của ông đã có bao nhiêu bóng giai nhân đi qua? Nghe tôi hỏi câu ấy, sau vài giây im lặng, ông cười và bảo: “Các cậu bây giờ còn lâu mới đuổi kịp tớ…”. Và ông kể… Đến hôm nay, có thể còn nhớ chưa chính xác, tôi mạn phép ghi lại một vài giai thoại về chuyện tình của ông.

Thời kỳ dạy học ở Thanh Hóa, có một gia đình người Pháp, vợ là người Việt Nam, có hai cô con gái xinh đẹp có tên là Thỏ và Thẻ. Trong hai cô ấy thì cô Thỏ xinh đẹp hơn. Bao chàng trai xứ Thanh mơ được làm quen với một trong hai người nhưng không chàng trai nào lọt vào mắt xanh của hai cô gái. Trong số những chàng trai mơ ước đó có cả Yến Lan. Nhưng rồi tình cờ một dịp trên đường phố cùng đi, tà áo dài của cô Thỏ vướng vào xích xe đạp. Cô gái không biết làm cách gì để gỡ tà áo dài ra khỏi xích xe. Yến Lan đi tới, trước cảnh ấy không thể làm ngơ, ông bèn ngồi xuống quay ngược xích xe và gỡ tà áo ra. Xong việc, ông tỉnh bơ bỏ đi, tỏ vẻ không thèm nhìn mặt người đẹp. Sau đó, cô gái lại dò tìm địa chỉ của Yến Lan để cảm ơn. Hai người quen thân nhau, gây cho bạn bè sự thán phục và ghen tỵ. Cuộc tình chưa đến đâu thì hai chị em cô gái lại phải rời Thanh Hoá về Pháp sống với cha. Trước khi về Pháp, cô Thỏ đã mang tặng cho nhà thơ một bộ comple bằng vải tuýt-xo màu trắng. Và cũng thời gian đó, nhà thơ tạm biệt xứ Thanh, trở về quê dừa Bình Định của mình với bộ comple và nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi.

Ông về Bình Định dạy học. Một đồng nghiệp đang dạy học ở Tam Quan hay tin, bèn mời Yến Lan ra trường mình để cùng dạy. Sau khi ra Tam Quan dạy cùng đồng nghiệp, người bạn muốn giữ nhà thơ ở lại xứ dừa lâu dài, vì uy tín giảng dạy của ông, bèn giới thiệu cho Yến Lan một cô gái ở gần nhà có tên là Điệp. Cô gái khá xinh đẹp, những giây phút lần đầu gặp nhau, nhà thơ đã có cảm tình đặc biệt với cô gái. Nhưng Yến Lan không ngờ, rất tiếc cô gái lại bị câm. Cô gái cũng rất yêu nhà thơ và ngược lại nhà thơ cũng rất yêu quý cô gái dù cô bị khuyết tật. Những buổi gặp nhau chỉ có những cái nhìn mà không nói được thành lời. Để thoát khỏi cảnh oái ăm và tránh sự tủi buồn cho cô gái, nhà giáo, thi sĩ Yến Lan âm thầm chuẩn bị vào Bình Định trong chuyến tàu đêm lúc 2h sáng. Ông biết cuộc chia tay này dù sao cũng có lỗi với cô gái, nhưng chẳng có cách nào hơn. Trong lúc chuẩn bị xách vali ra đi, thì cô gái đột ngột sang chỗ Yến Lan trọ, ôm chầm lấy nhà thơ khóc nức nở. Vài phút sau, cô gái lại đột ngột quay lưng về nhà mình. Yến Lan thấy lòng dạ rối bời, ông bèn xách vali đi thẳng tới nhà cô gái để nhận lỗi. Nhà thơ bàng hoàng khi bước vào cổng và cô gái từ trong nhà lao ra ôm chặt đưa vào nhà. Từ lúc ấy (10h đêm), nhà thơ thiếp trong vòng tay người đẹp. Đến 1h sáng hôm sau, cô gái câm đánh thức nhà thơ dậy đưa ông ra cho kịp chuyến tàu 2h sáng. Từ ấy, sau cuộc chia tay đầy nước mắt, họ vĩnh viễn bặt tin nhau.

Ông lại kể một mối tình đơn phương hồi trai trẻ với một cô hàng xóm có vẻ đẹp rất Tây tên là Cúc. Nhà cô gái hàng xóm quá giàu. Còn Yến Lan thì quá nghèo, một mối tình đơn phương không môn đăng hộ đối. Nhà thơ cũng chưa một lần giám ngỏ lời :

Nàng từ tuổi sánh hoa
Không hay chồng đã hỏi
Chàng từng bữa đi qua
Yêu mà không giám nói…
(Ngựa qua từng chuyến - Xuân Khai )

Cô gái đi lấy chồng, để lại trong lòng nhà thơ trẻ mối tình đầu đời, mà sau này, trong một bài thơ khác, ông còn chua chát ghi lại :

Thói thường đăng đối cuộc nhân duyên
Cha mẹ em giàu dễ để yên
Cho một lứa đôi không xứng vế
Dập ngay nguồn lửa mơi vừa nhen

Đang lúc mùa thu ngập lá rơi
Chồng em đến cổng đón em rồi
Cây hai vườn vẫn giao cành lá
Chỉ có mình anh đứng lẻ loi…
(Gần nhà xa ngõ)

Một lần Yến Lan về Hà Tiên thăm hai vợ chồng thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết. Nữ sĩ Mộng Tuyết, lần đầu tiên mới gặp, nhưng đã đọc thơ, nên khi găp Yến Lan, bà đã quý mến nhà thơ trẻ xứ dừa Bình Định. Trong thời gian Yến Lan ở Hà Tiên, Mộng Tuyết đã tạo điều kiện cho ông làm quen với một cô gái phương Nam có tên là Hạnh. Mới gặp nhau mà như đã quen nhau lâu ngày, hai người đã quấn quýt và tâm hợp ý đầu. Hai vợ chồng nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết hy vọng hai người sẽ thành thân. Nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, Yến Lan lại đột ngột giã từ Hà Tiên để trở ra Bình Định. Giai đoạn này, mạch thơ tình của Yến Lan đậm đặc nhất. Tuy không được lấy nhau nhưng hai người vẫn thường xuyên trao đổi thư từ và thơ phú. Hai người đã có gia đình riêng vẫn yêu quý nhau cho đến năm 1954, cả hai cùng tâp kết ra miền Bắc. Mối tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ. Mối quan hệ này vẫn được giữ vững cho đến ngày thống nhất đất nước và trở về miền Nam.

Về quê lòng nặng mối tình cũ nghĩa xưa với hai cô bạn gái ngày nào, sau những mối tình lãng tử, nhà thơ làm lễ thành hôn với cô Nguyễn Thị Lan, như ông đã giải thích cái bút danh của mình. Hai ông bà sống hạnh phúc sinh và được sáu người con. Ba trai ba gái đã khôn lớn và thành đạt. Lâm Huy Nhuận, người con trai thứ hai theo nghiệp cha đã trở thành một thi sĩ. Sau ngày thống nhất đất nước, hai ông bà trở về Bình Định, an dưỡng tuổi già. Bà Lan trở thành người chăm sóc và thư ký riêng ghi biên soạn những sáng tác trên giường bệnh cho Yến Lan. Sau này, khi nhà thơ qua đời, bà Lan đã thành tiền lương hưu in cho chồng tập thơ Tứ tuyệt gồm hàng trăm bài. Bà cũng viết hồi ký Sống với nhà thơ Yến Lan, kể lại những vui buồn sau gần sáu chục năm chung sống với thi sĩ.

Yến Lan đúng là một nhà thơ tài hoa và đa tình với hàng chục bóng giai nhân đi qua cuộc đời, người tình nào cũng đẹp, mối tình nào cũng đậm. Nhưng không hợp duyên hợp phận, nên nhiều cuộc tình không đi đến cùng. Thế hệ chúng tôi, nói như nhà thơ ngày nào, là còn lâu mới đuổi kịp ông về nhiều mặt.

(Nguồn: Nhà văn)

 

 

Bài mới đăng

Ai đang xem

Hiện có 553 khách Trực tuyến

Video Clip

Bài viết liên quan

Lịch Bài viết

< Tháng 3 2010 >
Th Th Th Th Th Th Ch
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 31