FPSS slide image

Đừng làm hại ca khúc cũ!

Chưa bao giờ các ca khúc cũ lại được "khai quật" nhiều như thời gian gần đây. Và câu chuyện &...

Các bài khác...
FPSS slide image

Thư viện ảnh

tập ảnh Màu thời gian

Các bài khác...
FPSS slide image

Khoảnh khắc riêng

Tâp ảnh: Khảnh khắc riêng do Bạn đọc gửi

Các bài khác...
FPSS slide image

Phát ngôn hay nhất của nhà văn năm 2007

Không chỉ là những bậc thày ngôn ngữ, nhà văn còn là những người thông minh, hài hước v&...

Các bài khác...

Thư viện ảnh VNCN

Màu thời gian Màu thời gian Màu thời gian
Trang chủ arrow Truyện arrow Truyện ngắn arrow CÔ GIÚP VIỆC KÉN CHỒNG
CÔ GIÚP VIỆC KÉN CHỒNG PDF In E-mail
TRUYỆN - Truyện Ngắn
21/10/2006
Diệu Linh ngả người trên ghế salông. Giây phút thư giãn sau một ngày lao động thật dễ chịu. Lạc, cô gái giúp việc con cón chạy xuống bếp. Tiếng thìa khua cốc leng ca leng keng. Linh đưa mắt xuống bếp. - Pha có cốc nước cam mà như đánh trận thế cháu? Lạc nhìn lên, chỉ cười. Cái dáng tất bật, xăng xái của nó làm cho Linh cảm thấy vui vui... CÔ GIÚP VIỆC KÉN CHỒNG
- Đỗ Thị Hồng Vân

Diệu Linh ngả người trên ghế salông. Giây phút thư giãn sau một ngày lao động thật dễ chịu. Lạc, cô gái giúp việc con cón chạy xuống bếp. Tiếng thìa khua cốc leng ca leng keng. Linh đưa mắt xuống bếp.
- Pha có cốc nước cam mà như đánh trận thế cháu?
Lạc nhìn lên, chỉ cười. Cái dáng tất bật, xăng xái của nó làm cho Linh cảm thấy vui vui. Nó bê cốc nước bằng cả hai tay. Linh uống một ngụm lớn.
- Chà! Được! Có cả vị thơm của quất.
Lạc chăm chú nhìn Linh:
- Cháu còn cho thêm một tị tì ti muối vào nữa đấy. Cô uống có thấy đậm đà hơn mọi ngày không?
- Ừ, đúng. Dạo này cháu nấu ăn khá hẳn lên. Cô thích nhất món cá kho tộ.
Được thể, nó dẩu mỏ ra:
- Ối giời! Đáng ra phải ủ bếp trấu cho giừ nhưng ở thành phố lấy đâu ra. Cháu nhóm bếp lò, kho cả buổi chiều, chứ cứ bếp ga mà giã thì tốn chết! “Một tiền gà, ba tiền thóc” cô nhỉ!
Linh nhổm người lên:
- Cháu học đâu ra cái cách kho cá đó thế?
Lạc cười nụ:
- Ở quyển sách cô đưa cho cháu í. Họ còn dạy cách làm dưa cải sen cho thêm riềng, dưa su hào, bắp cải, cần trắng cho thêm lá răm, hành củ ăn vừa thơm vừa giòn. Ơ! Cháu tưởng cô đọc hết rồi mới đưa cho cháu chứ?
Linh thả phịch người xuống ghế:
- Cháu xem, cô còn lúc nào mà rảnh nữa. Dạy sáng, dạy chiều, bồi dưỡng đội tuyển, soạn bài, họp hành, thăm hỏi chị em... Đến cả bộ phim hay mà còn chả có lúc xem nữa là...
Lạc ái ngại:
- Dạo này cô hơi gầy đi đấy. Cận thận không có lại tụt huyết áp như năm ngoái. Gớm! Hồi ấy trông cô sợ quá.
- Thôi, thôi, cái văn tả người của mày để dành đến sáng mai nhé, tha hồ mà tả người ta!
Lạc duỗi ra:
- Ai bảo cô nhận lời cho người ta đến chơi. Cháu đã nói là cháu không lấy chồng mà.
- Cô lo cho cháu sau này, về già không thể sống một mình được...
- Già thì... nó lại nhe mấy cái răng bàn cuốc ra – Bao giờ sắp chết, cháu đào sẵn một cái lỗ. Lúc thoi thóp, cháu lăn xuống hố, nhờ hai em nhà cô cho mấy xẻng đất.
- Phải gió cái mồm nhà mày! Thì cứ để người ta đến xem mặt ngang mũi dọc nó thế nào, ai đã bắt lấy ngay đâu mà sợ. Cái đám này cũng ... hay đấy.
Nó ngúng nguẩy:
- Hay thì cô... Nó định nói: “Cô đi mà lấy” nhưng biết lỡ mồm, nó kịp phanh lại – thì cô cứ “dấm” để đấy đã. Cháu đã nói số cháu không lấy được chồng mà.
Linh nhìn nó thở dài. “Ừ, cái số con bé thật lận đận, vất vả”.

&

Vào một ngày mùa hè nắng gắt năm 2003, một cô gái đội nón lá bấm chuông nhà Linh:
- Cô ơi, cháu đọc báo thấy cô cần người giúp việc có phải không?.
Chị nhìn cô gái nhà quê, mặt đang đỏ bừng, mồ hôi bết trán, ái ngại:
- Thực ra, cô tìm ngưới giúp việc cho chị gái cô, mà chị ấy vừa tìm được người rồi. Báo cô đăng cách đây một tuần, đã cho thôi. Cháu cứ vào đây xem nào...
Cô gái chạc 24, 25 tuổi, đôi mắt mở to, ánh mắt nhanh nhẹn, khuôn mặt trái xoan, những lọn tóc quăn tự nhiên rủ xuống vầng trán trắng trẻo, khá ưa nhìn nếu như không có cái cười dở òm. Răng thì to lại chìa ra, khi cười hở cả hàm lợi.
- Cháu quê ở đâu? Tên gì?
- Dạ, cháu quê ở làng Sỏi, Thanh Hòa, Hải Dương. Cháu tên nà Nạc – củ nạc í cô ạ.
Linh suýt phì cười về cái sự ngọng nghịu của Lạc.
- Đây, cháu đem cả chứng minh thư, cả giấy khai sinh, cả hộ khẩu của nhà cháu...
- Thôi, thôi, là cô hỏi để biết chứ giờ cô cũng có cần người đâu.
Lạc rơm rớm nước mắt:
- Hay cô tìm giúp cháu một việc gì cũng đượcc, chỉ cần chỗ nàm ấy không có đàn ông thôi. Trước khi vào đây, cháu đã dò hỏi được nà nhà cô chỉ có ba mẹ con, toàn đàn bà con gái cháu mới dám bấm chuông.
Linh trố mắt nhìn cô gái. “Một con bé răng vổ chìa vổ trật mà cũng đau khổ vì đàn ông thì lạ thật”
- Thôi được, cháu ở đây một vài hôm xem sao đã. Có thể cô cũng cần người.
Ngay bữa trưa hôm ấy, cả nhà Linh được một bữa canh cua ngon tuyệt. Lạc mua cua, giã, lọc, khều gạch cua vàng óng vào. Tô canh cua rau đay, mướp hương thơm lừng, không cần bột ngọt mà vẫn ngọt lừ. Cái Hằng xuýt xoa: “Ngon thật! Mọi ngày em vừa đi học về vội, mua cua xay sẵn, vừa ôi, vừa bẩn nhưng vẫn phải ăn”. Hai con gái của Diệu Linh một chuẩn bị thi đại học, một sắp vào cấp 3, học hành liên miên. Rất nhiều lần, cả ba mẹ con phải tuỳ nghi di tản, ăn cơm hàng. Ngay tối hôm ấy, Linh điện về cho mẹ Lạc. Tiếng người phụ nữ run rẩy trong máy: “Vâng, một vài hôm nữa tôi sẽ ra ngay... Cảm ơn cô, cô thương nó với... đội ơn cô... Cô cho cháu ở đấy với... Nó đang chạy trốn cái thằng mất dạy ở xóm này đấy cô ạ. Cô đừng nói thật địa chỉ của nó với ai quanh đấy nhé. Tôi đội ơn cô...”. Linh hốt hoảng, đặt ống nghe xuống:
- Lạc, cháu chạy trốn ai? Chạy trốn cái gì thế?
Lạc oà khóc, nó lật vạt áo lên:
- Cô nhìn này! Nó đánh cháu đấy. Hôm qua cháu trả thù nó, chả biết sống hay chết...
Cả ba mẹ con Linh dán mắt vào bụng Lạc. Một vết thương như con rết đỏ tía bò loằng ngoằng từ đầu vú phải xuống đến gần bụng:
- Trời ơi! Sao lại ra nông nỗi này? Chỗ cháu ở không có chính quyền công an à?
- Có cô ạ. Nhưng chờ được vạ thì má sưng. Nhà cháu nại mẹ goá con côi. Mà cái đám đàn ông ở quê cháu hèn nắm. Cháu căm thù tất cả đàn ông ở cái nàng ấy. Cháu đánh một thằng nà còn ít.
Nuốt nước bọt cái “ực”, Lạc kể lể:
- Những người có học, tử tế thì ra thành phố cả. Trong nàng, chỉ toàn đàn bà con gái trên đồng ruộng. Nũ đàn ông đã không được cái tích sự gì nhưng nại khụng khịnh, gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Bà nào vô phúc đẻ toàn con gái thì mấy mẹ con cứ nà nàm nô tì cho não chồng đến hết đời. Đấy, cô có nghe cái vụ mấy chị em gái rủ nhau tự tử chưa? Quê Thanh Hoà nhà cháu đấy. Nói chung nại nà chỉ do nhà ấy đẻ toàn vịt giời mà thôi. Còn những thằng con trai “học không hay, cày chẳng biết” thì còn đốn mạt hơn. Hút xách, chơi bời, cờ bạc, đề đóm phát tởm. Khi chúng chuẩn bị nấy vợ, để vợ nuôi, thì giả vờ đóng vai chân chỉ hạt bột và rất giỏi cái trò cấm vận gái nàng.
- “Cấm vận gái làng” là thế nào hả chị? Cái Nga – con gái bé của Linh, bỏ cả học tối, ngồi ngay ra, há mồm theo dõi câu chuyện.
- Nà cấm con gái được tìm hiểu, nấy chồng ở nàng khác và cấm trai nàng khác bén mảng tán gái nàng mình.
Hằng lấy cốc nước đưa cho Lạc:
- Chị uống đi đã. Chị cứ bình tĩnh kể có đầu có đuôi.
Nhưng vẻ mặt Lạc lại bắt đầu căng thẳng:
- Cháu có anh bạn trai ở nàng bên. Hai chúng cháu quen nhau đã hơn một năm nhưng chúng cháu chưa dám đặt vấn đề cưới hỏi vì anh ấy còn sợ trai nàng cháu. Hôm đó, anh ấy đánh bạo sang nhà cháu chơi để nói rõ ý định với mẹ cháu. Núc về, đến đúng giữa cây cầu nhỏ bắc qua con mương, tự nhiên hai toán “ác ôn” ập vào chặn mặt: “Chào anh bạn tốt số, hôm nay dám đá nấn sân hả? Nhưng đây cũng tha cho, chỉ phiền anh bạn nhảy xuống mương này mò giúp hai vợ chồng con ốc núc chiều bọn này đánh rơi. Nhớ nhé một ốc đực, một ốc cái”. Rồi một, hai, ba... Chúng tóm nấy anh ấy ném tòm xuống mương giữa núc trời nạnh cóng như thế. May mà anh ấy biết bơi...
- Thế rồi cuối cùng chị có lấy được anh ấy không? – Cái Nga sốt ruột hỏi.
- Không, nếu đã nấy thì sao chị còn được ở đây! – Lạc lại sụt sùi – Thì ra anh ta cũng nà thằng hèn nốt. Sau cái đận ấy bặt tăm bặt tích. Chưa đầy tháng sau, anh ta đã cưới một cô cùng nàng Mít ấy.
- Thế còn vết thương của cháu, ai gây ra thế? Cã còn đau không?
- Vâng, để cháu kể. Quê cháu con gái nấy chồng sớm nắm. Mười tám, đôi mươi đã con bồng, con mang. Sau cái vụ chia tay với thằng cha hèn hạ nàng Mit, cháu chả thiết nghĩ đến đàn ông nữa. Bọn trai nàng gọi cháu nà Nạc - mái tây hiên di động – tức nà răng hô í mà. Cháu tuyên bố thẳng vào mặt chúng nà: Noại chúng mày : Ba xu một mớ đàn ông, tao bỏ vào nồng tao xách tao chơi. Ba trăm một mụ vổ chìa, cho nên thấy mặt hãy nìa mụ ra !
Cả ba mẹ con cười rũ, cái Nga nhảy lên:
- Thơ của chị hay thế, chắc chúng tức sùi bọt mép!
- Ừ, sau đó chúng tìm cách hại chị. Một đêm, trăng sáng tờ mờ, cháu đi ra đồng tháo nước về đến chỗ có nùm cây cạnh ruộng ngô thì thằng Phú xổ ra chặn đường:Vào đây nói chuyện tí em!”. “Không chuyện trò gì cả, tránh ra cho tôi đi!”. Nó ôm thốc cháu, định nôi vào bãi ngô. Cháu nấy hết sức mình giáng một quả đấm vào giữa mặt nó. “Buông ra, nếu không tao sẽ moi mắt mày. Đồ con nợn!”. Biết không thể nàm gì được cháu, nó vớ được một cái mảnh sành rạch vào ngực cháu như thế này đây!
Diệu Linh xót xa nhìn cô gái. Chị hay đọc báo Tiền phong, nhất là mục “Sau luỹ tre làng”. Chị không thể tưởng tượng nổi giữa thời đại này còn tồn tại những chuyện trớ trêu như thế. Lạc ngồi ngay trước mặt chị, hiển hiện bằng xương bằng thịt. Một cô gái nông thôn trẻ được lãnh đủ mùi vị đắng cay của cái thứ “văn hoá làng xã”. Bất giác, Linh đưa tay ôm ngực, cảm giác đau đớn lan toả sang cả chị.
- Sau khi ở bãi ngô về, cháu nói dối mẹ cháu nà bị ngã và đi mua thuốc đắp vết thương. Cháu nập mưu trả thù thằng Phú vì cái tội kháo ầm nên nà đã ăn nằm được với cháu. Hơi đâu mà cháu đi thanh minh với cả nàng được.
- Cháu đánh nó như thế nào?
- Cháu vận dụng bài võ “triệt bộ ấm chén” của chị em trong nàng mới truyền nghề cho. Tối qua, cháu chặn đường thằng Phú đi chơi khuya về. “Ê, thằng súc sinh, mày hãy trả nợ tao!”. Vừa nói cháu vừa ném nuôn mấy nắm cát vào mắt nó, rồi nhằm cái “của nợ” ấy cho một cú đá, ai dè nại đá trúng bụng. Bị bất ngờ, nó bật ngửa, ngã năn ra, đầu đập vào đống gạch cạnh đấy, ngất nịm tại chỗ. Cháu sợ quá, chạy về nhà kể hết với mẹ, trốn nuôn. Đêm qua, cháu ở nhà trọ, sáng nay mới đến nhà cô đấy.
Cả ba mẹ con nhìn nhau:
- Trước mắt, cháu cứ ở tạm đây đã. Cũng không thể trốn mãi được. Thằng Phú mà bị làm sao là cháu lôi thôi to.
Lạc mở to mắt, sợ hãi nhìn Linh:
- Cô có cách gì cứu mẹ con cháu với...
- Từ từ để cô xem. Mai cô sẽ về quê cháu.
Hôm sau, mới đến quán nước đầu làng Sỏi, Linh đã được nghe câu chuyện “Thằng Phú bị con vổ chìa “xin tí tiết” om sòm. Đám đàn bà con gái đi làm cỏ lúa, ngồi giải lao trong quán kháo nhau: “Con bé thật táo gan, một mình dám tay bo với Thằng Phú trâu”. “Cho nó đáng đời, thằng này mất dạy nhất xóm. Bọn con gái đứa nào cũng ghét”. Linh sán vào: “Thế nó có bị làm sao không hở các chị?”. “Ối giời! Thằng trời đánh thánh vật ấy chẳng có làm sao cả. Lũ bạn đi qua vực nó dậy, nó còn sĩ diện bảo là bị “trúng gió”. Thế nhưng ông Hưng trong xóm kể lại là chính mắt ông ấy trông thấy thằng Phú bị đá trúng d... Hà! Hà! Thế mới sướng”.
Ngay chiều hôm ấy, Linh quay về luôn:
- Cháu yên tâm. Mọi việc ở nhà không đến nỗi tệ lắm. Bị bọn con gái làng lên án, lũ con trai cũng cảm thấy xấu hổ về những việc làm đồi bại của chúng đối với cháu. Cháu có thẻ về nhà hoặc ở đây tuỳ ý.
- Không, cháu không thể về cái nàng Sỏi ấy được nữa. Cô cho cháu ở đây với!

&

Thấm thoắt đã ba năm trôi qua, Lạc ở với mẹ con Diệu Linh. Năm nay cái Hằng đã học đaị học năm thứ 3, còn Nga đang học lớp 12. Tháng trước, Linh mới nhận được thư chồng, chỉ vẻn vẹn có mấy dòng:
“Gửi Linh! Xin em hãy ký vào tờ đơn này! Vì như thế là giải phóng cho cả hai chúng ta. Anh cần ổn định cuộc sống về lâu dài. Chào em và các con!”
Linh thẫn thờ nhìn tờ đơn li dị. Biết là điều ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì kể từ khi chồng đi nước ngoài, mối ràng buộc vợ chång lại càng lỏng lẻo. Nhưng giờ đây, chị vẫn thấy đau thấu tim gan. Ngồi bên mâm cơm, trong căn nhà rộng thênh, im ắng, nước mắt chị ứa ra. Lạc vụt hiểu tất cả. “Sáng nay cô ấy nhận được thư chồng. Chắc lão đòi li dị, cô ấy chả nói thế trước rồi là gì?”. Lạc gắp thức ăn vào bát Linh:
- Ôi dào! Việc gì cô phải buồn cho chóng già. Chú ấy đòi li dị càng tốt cho cô. Cô ăn đi! Cá chép tươi cháu hấp bia ngon lắm!
Lạc cố cười nói rõ to, mắt nó long lên – Linh đã kiên trì rèn cho Lạc bỏ được cái tật nói ngọng:
- Người như cô lấy đâu chả được chồng nữa. Vừa đẹp, vừa có tài, con cái thì giỏi như thần. Chẳng qua là, cô cũng chả muốn rước thêm cái của nợ về cho nó nát nhà. Cháu là... là... cháu cạch cái giống đàn ông. Ở quê cháu có những đứa cố đấm ăn xôi, lấy cho được một thằng chồng để nó hành hạ suốt đời. Tại sao con người ta cứ tự chui vào cái thòng lọng rồi lại kêu là nghẹt thở nhỉ?
Linh cười, chua chát:
- Thế cháu bảo cô cũng chui đầu vào thòng lọng à?
Lạc vênh mặt:
- Cháu thử phát một cái biểu thế này, cô xem có được không nhé? Cô thì chui vào thòng lọng, còn chú ấy thì thít cái thòng lọng ấy cho cô hết thở luôn. Bây giờ chú ấy bảo cô kí vào đơn li dị là cởi trói cho đấy. Đáng nhẽ cô phải ăn mừng chứ!
“Con này cũng đáo để thật” – Linh thầm nghĩ.
Mà quả thật, ở với mẹ con Linh, Lạc cũng ngày càng khôn ra. Nó nhanh chóng hoà nhập và tuân thủ nghiêm ngặt nếp sống của Linh. Nó chịu khó quan sát hàng xóm xung quanh, có vẻ nghĩ ngợi lắm. Tối, lại hí hoáy ghi sổ nhật kí hẳn hoi. Nó bảo: “ Để cháu xem người phố khác người nhà quê thế nào?”. Lạc rất khoái cái khoản ghi sổ chi tiêu hàng ngày. “Như thế, cháu đỡ phải lẩm bà lẩm bẩm, cộng cộng, trừ trừ. Lại có cái máy tính, tiện quá.”
Thỉnh thoảng, Linh gửi quần áo, dăm bảy chục ngàn về biếu mẹ nó. Lần nào, ở quê ra, Lạc cũng tha lôi, khi thì quả mít thơm lừng, chục chanh tươi rói, ống gạo nếp, có khi cả mấy con cá trê còn giãy đành đạch... Linh cũng không hiểu từ bao giờ, mình lại gắn bó với Lạc như thế. Việc cấy hái, mùa màng, thu hoạch của mẹ Lạc như thế nào, Linh đều nắm rõ. Hôm nọ, nó vui vẻ khoe:
- Mẹ cháu dạo này khoẻ ra đấy cô ạ! Mỗi tháng, cháu chơi họ để ra được nửa chỉ vàng, đưa mẹ cháu giữ hộ. Mẹ cháu thích lắm. Lúc nào cũng dặn cháu chớ có tham vàng bỏ ngãi, cô cho thì xin, chớ không được bớt xén, chí trá một xu nào, làm mất lòng tin của cô. Người tốt như cô ở thành phố này ít lắm...
Linh lườm nó:
- Thôi đi chị ạ. Rồi cũng liệu mà lấy chồng. Không ở với tôi mãi được đâu, chết già đấy!
Nó đứng dậy, chống hai tay vào hông, mấy lọn tóc quăn hất ngược lên trán:
- Cô xem, thằng nào dám lấy cái con có dững mấy cái bàn cuốc này. Về có mà nó cuốc cho cứ gọi là sứt đầu mẻ trán...
Linh cười phá lên:
- Mày đã có võ, lại thêm cái thứ vũ khí không bao giờ han gỉ thế này, cứ lấy chồng đi, chẳng thằng nào bắt nạt được đâu!
- Cơ mà ai lấy? Mà cháu nói trước với cô là cháu càng xấu càng kén chồng đấy. Tiêu chuẩn: không được lùn... này, không được mắt ti hí này, cái giống mắt trắng môi thâm đem vứt này, cái loại... kiệt xỉ lõ đít là cháu cũng không thèm này...
Linh cười ngặt nghẽo:
- Giời ạ! Thế thì “bà” lấy tài tử điện ảnh Hàn Quốc nhé!
Nó vênh vênh cái mặt, mắt long lanh như tráng nước:
- Chứ sao! Cháu đã răng vổ thì cháu phải lấy người có miệng đẹp để còn lai giống chứ. Cháu đã nghèo thì phải lấy người giàu để khỏi cãi nhau chứ, cháu đã...
- Thôi, thôi, thế thì đành thờ làm bà tổ cô thôi!
Lạc cười khanh khach, véo von:
- Ô hô! Làm bà tổ cô mới là thượng sách. “Chồng con là cái nợ nần, thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”.
- Cháu chỉ nên ghét mấy thằng trai làng mất dạy chứ sao lại ghét tất cả đàn ông? Có phải ai cũng xấu cả đâu?
- Không phải thằng đàn ông nào cũng xấu nhưng cũng không nhiều người tốt. Nếu như biết trước kẻ đó là tồi tệ thì còn đâm đầu vào làm gì? Mà có trót lấy rồi, sau thấy nó khốn nạn quá thì cũng bỏ quách đi.
- Mày nói dễ nghe nhỉ! Con người chứ có phải cái áo đâu mà thay ra thay vào. Còn bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc...
- Vâng, vâng. Chính vì thế nên cô mới phải chịu khổ một mình. Còn chú ấy thì...
Lạc im bặt, rồi vội tháo lui:
- Ấy, ... cháy rồi...
Linh bần thần. Chịu khổ một mình? Vì sao thế nhỉ? Hay chính mình cũng không muốn vượt ra khỏi cái hàng rào vô hình đó để rồi phải gặm nhấm nỗi đau suốt hơn hai mươi năm trời? Lấy chồng lúc mới 19, 20... chưa kịp làm thiếu nữ đã làm mẹ. Hai đứa con lần lượt ra đời. Những năm tháng giường cứt, chiếu đái. Nhũng bữa cơm chăm chút cho chồng, cho con... Rồi con cái lớn lên, lại theo dõi, lo lắng việc học hành lớp 1, lớp 9, lớp 12, đại học...Việc nhà chồng, việc nhà mình... tất cả cứ đổ lên đầu. Nào ai có bắt đâu, tự mình vơ hết việc đấy chứ... Đi làm, ra chợ, vào bếp, ăn uống, xem bài cho con, lên giường... Đi làm, ra chợ, vào bếp... Đi làm... Nhiều lúc, Linh ngán ngẩm nhìn ngôi nhà cũ rích, bộ mặt nhẵn bóng của chồng mà muốn chạy trốn đi đâu đó thật xa, thật xa... Nhưng biết đi đâu? À, mà cũng có đấy chứ. Đi du lịch! Nhưng đã có gia đình là phải đi vơi chồng với con, không người ta cười cho. Lại tíu tít lo sắm, lại vẫn cái bộ mặt nhẵn bóng của chồng với những câu nói nhàm chán hàng ngày...Trời ơi, Linh muốn phát ốm lên. Cũng có khi, Linh muốn tung hê tất cả mọi thứ trách nhiệm để được sống là mình, sống cho mình, nhưng rồi Linh lại sợ. Sợ cái thay đổi đó sẽ phá vỡ nền nếp gia đình. Cho đến hôm nay chỉnh chồng Linh lại là người bứt phá trước. Linh cay đắng. Anh ta đã quá no đủ, bội thực. Anh ta muốn thay đổi khẩu vị. Thật đáng đời cho kẻ ngu muội, hèn nhát như mày, Linh ạ. Mày có dám sống mà không cần đàn ông như cái Lạc không?
Trong bếp, Lạc lại bắt đầu loảng xoảng. Linh nhăn mặt. “Bà ấy nấu ăn giỏi nhưng đập cũng hơi khiếp”.
- Này, mai đón khách sộp, đừng có mà ầm ĩ như thế nhé!
Lạc cười, mắt nhấp nháy:
- Chém cha cái tay dùi đục này đi. Cháu sợ mai cảm động quá, có khi lại đổ cả nước lên đầu khách í.

&

Chủ nhật, một ngày thật đẹp trời. Sực nhớ có cuộc hẹn “mai mối” cho Lạc, Linh bật dậy. Lạc cầm cái chổi rễ, huỳnh huỵch chạy từ cổng vào:
- Gớm, cái khu nhà mình cũng nhiều rác ra trò. Cô góp ý với ông tổ trưởng dân phố đi. Mấy cái nhà ở cuối ngõ í, bừa bãi lắm. Nhà ông Định chuyên môn thả chó chạy lung tung.
- Ừ, được rồi. Thế không nhớ hôm nay có việc gì à? Vào rửa mặt mũi, thay quần áo đi. Có muốn trang điểm một chút không?
- Không, cháu cứ mặc cái bộ đen sì này cho giống mụ phù thuỷ. Trang điểm ấy à, cháu vẽ râu mèo nhé, hay ria con kiến?
- Ừ, đố dám đấy. Vẽ đi!
Bính... boong...
-Thôi chết, khách đến, nhanh lên cháu!
Sau màn giới thiệu. Linh kiếm cớ rất khéo rút lui để Lạc và Phùng – tên người thanh niên mới đến được chuyện trò thoải mái. Thế mà chưa đầy 20 phút sau, Lạc đã đứng trước cửa phòng Linh .
- Cô ơi, khách sộp lặn rồi!
Trông Lạc hơi lạ. Mặt nó nghiêm trang, đôi mắt đăm chiêu.
- Sao nhanh thế cháu? Phùng về rồi à?
- Cháu không thích cái kiểu nói chuyện của anh ấy. Chưa chi đã tính chuyện “xây dựng cuộc sống lâu dài rồi”. Cháu hỏi cô nhé: Anh Phùng đã biết gì về cháu? Cháu biết gì về anh ta? Biết đâu anh chàng đã có “ổ” ở quê rồi thì sao? Anh ấy tưởng cháu là gái quê quá lứa lỡ thì, thấy giai hỏi đến là kiểu gì cũng gật đầu chắc!
- Cháu đừng suy diễn quá. Phùng là người tốt đấy, chỉ phải cái tội ăn nói vụng về, lại cái tật nói lắp nữa.
Lạc bắt đầu bô bô:
- Mà anh ấy tức cười lắm nhé! Nói thì lắp ba lắp bắp: “Tôi làm ở nhà máy Cá hô... hô...hộp Hạ Long. À... mà em... à, mẹ em c...c...có thích ăn cá hô... hô... hộp không?
Lạc bắt chước thật tài tình, Linh không nhịn được cười:
- Thế cháu trả lời ra sao?
- Cháu bảo: “Mẹ em không thích ăn cá hộp, chỉ thích CUĐANHU hộp thôi!”.
- CUĐANHU là cái gì? Mày đúng là quỷ sứ!
Lạc cười sặc lên:
- Là củ đa nhừ! Ôi giời ơi! Mặt cháu lạnh te. Anh ấy lúng ta lúng túng, thế quái nào dẵm luôn vào đuôi thằng mèo í. Nó nhảy dựng lên, kêu đánh cái “ngoeo” một cái làm anh giựt mình làm đổ cả bình hoa, vỡ mất rồi cô ạ!
- Rồi sao nữa? Vì thế mà mày đuổi người ta về à?
- Đâu có, cháu nghĩ tiếc đứt ruột bình hoa của cô. Cái đồ bị thịt ấy còn hậu đậu hơn cả cháu! Cháu bảo anh ta: “Tên mèo này hư quá. Thấy nói có món CUĐANHU là đã chạy tót xuống bếp ăn vụng rồi, em phải đi trông nó đây!”. Và thế là anh ấy ra về.
Linh vờ xuýt xoa:
- Quý hoá quá! Phùng thì vụng về chân tay, còn Lạc thì cũng hay ăn đổ làm vỡ. Mai kia lấy nhau rồi tha hồ mà hoà tấu xủng xoảng.
- Thế thì có mà húp cháo à? Cháu không lấy chồng đâu.
- Hoá ra cháu cũng cầu toàn gớm nhỉ. Có ai là người hoàn hảo? Cháu có hoàn hảo không?
- Chính vì thế mà cháu không dám lấy ai cả. Với lại anh ấy bỏ về rồi, anh ấy không đến nữa đâu.
Lạc chưa dứt câu thì “Bính....boong...”
- Chị Linh ơi, em phải quay lại để đền cái món “củ đa nhừ” của cô Lạc đây!
Linh vội chạy ra, đỡ lấy cái túi Phùng đưa:
- Cái gì thế này?
Phùng gãi đầu:
- Chị ơi, có mấy h… hô… hộp mực, tôm đặc biệt bảo đem biếu chị mà lúc đi luống cuống thế nào em lại quên mất. Em đỏang quá chị ạ. lúc nãy, em còn làm vỡ mất lọ hoa đẹp của chị. Cũng tại cô Lạc cả, cô ấy xui con mèo cắn vào chân em. C… cô ấy đâu hả chị?
Linh tủm tỉm:
- Ừ, để chị ới nó một câu nhé!- Lạc ơi, lên đây nào!
- Cháu không biết đâu! – Tiếng Lạc vọng lên.
Lạc vẫn loay hoay dưới bếp, mặt đỏ bừng: “Trông cái mặt anh ta tưởng hiền mà cũng biết mọc chuyện. Cái ông này mà lấy thì... Ơ sao mình lại nghĩ vớ vẩn thế nhỉ!”.
Ngoài cửa sổ, chú chim sâu bé tí nhảy nhót trên cành me khe khẽ kêu: Tích! Tích! Tích! Tích!...

Đỗ Thị Hồng Vân
Trường TH Võ Thị Sáu
270 – Trần Nguyên Hãn – Hải Phòng













Cập nhật ( 21/10/2006 )
 
< Trước   Tiếp >
 

Đăng nhập






Bạn quên mật khẩu?
Chưa có tài khoản? Tạo một tài khoản

Bài viết liên quan

Thăm dò ý kiến

Màu thời gian

7.jpg

AutoViet.NET

www.autoviet.net

Ai đang xem

Chúng ta có 2 khách trực tuyến

Thống kê

Hôm nay: 39
Hôm qua: 111
Tổng số: 19196
Trang hôm nay: 361
Trang hôm qua: 709

Tư liệu

Cung cấp tin RSS

RSS 1.0
RSS 2.0
ATOM 0.3
OPML
method man snoop dogg buy cialis or generic tadalafil