Những năm nửa sau thế kỷ XX và cả ở những năm tiếp theo, văn học về đề tài chiến tranh và người lính có lẽ là mảng văn học phát triển rực rỡ nhất với những tác phẩm sáng đẹp nhất, có nhiều bạn đọc nhất và cùng đó là một đội ngũ nhà văn – chiến sĩ vừa đông đảo vừa nhiều tài năng, trong đó có nhiều tên tuổi sau này được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, trở thành tướng lĩnh, thành những nhà quản lý văn hoá văn nghệ tru cột của đất nước.
Những năm nửa sau thế kỷ XX và cả ở những năm tiếp theo, văn học về đề tài chiến tranh và người lính có lẽ là mảng văn học phát triển rực rỡ nhất với những tác phẩm sáng đẹp nhất, có nhiều bạn đọc nhất và cùng đó là một đội ngũ nhà văn – chiến sĩ vừa đông đảo vừa nhiều tài năng, trong đó có nhiều tên tuổi sau này được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, trở thành tướng lĩnh, thành những nhà quản lý văn hoá văn nghệ tru cột của đất nước.
Tuy nhiên,văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng mấy năm gần đây đang thưa vắng dần những tác phẩm hay và có nguy cơ mất vị trí hàng đầu trong văn học hiện đại – một vị trí mà văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã liên tục đứng trong suốt hơn nửa thế kỷ. Đó là một thực tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút này, trong đó có những nguyên nhân thuộc về lịch sử khách quan và cả những nguyên nhân chủ quan sau:
Một là, cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc ta kéo dài trong ba mươi năm (1946 – 1975) cũng như cuộc chiến tranh biên giới (1979) đã kết thúc cách đây hơn ba mươi năm. Đối với văn học Việt Nam, các cuộc chiến tranh ấy đã định hình cả về không gian, thời gian và đã trở thành một đề tài có tính lịch sử của văn học. Nó không còn là một hiện thực đang diễn ra, đang phát triển từng ngày như hiện thực đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hôm nay.
Hai là, đi liền với hiện thực ấy – hiện thực đang diễn ra trên đất nước ta hôm nay, là một bầu không khí văn học phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách. Văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng chỉ là một đề tài (dẫu là rất quan trọng, rất cần thiết) trong nhiều đề tài khác, nên việc đang và rất có thể không còn được ở vị trí hàng đầu, vị trí độc tôn là chuyện thường tình, đương nhiên và dễ hiểu.
Ba là, văn học đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng nói riêng và văn học nói chung cũng không còn là những “món ăn tinh thần” như là duy nhất của quần chúng nữa. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin nên ngoài văn thơ, con người còn có biết bao thứ phải thâu nạp mỗi ngày, phát thanh và truyền hình, báo và tạp chí… và đặc biệt là internet. Có người nói internet là kẻ khủng bố của văn hoá đọc, là thách thức lớn, rất lớn của nhà văn…
Bốn là, do cuộc chiến đã lùi xa, những người trực tiếp tham gia chiến tranh cũng đã không còn trẻ nữa, cùng đó là sự hao vắng dần các cây bút hàng đầu chuyên viết về đề tài này. Ví như ở Văn nghệ Quân đội chỗ chúng tôi khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, có một cuộc hội quân lớn đã diễn ra. Cả một đại đội nhà văn (chừng 30, 40 người), trong đó có rất nhiều nhà văn trung uý từ các chiến trường, các quân binh chủng đã có mặt ở Thủ đô, ở “nhà số 4”. Chúng tôi noí với nhau, ấy là thời hoàng kim . Và thời đó đã nhanh qua!. Trải hơn 30 năm các nhà văn tài năng của lực lượng vũ trang, của đất nước thời ấy, một số đã mất, số còn lại đã hoặc là về hưu lo cho sức khoẻ, vui cảnh điền viên hoặc nếu còn phục vụ, vòn viết thì do chuyện mưu sinh đang có xu hướng “tạt” sang khu vực đề tài khác thời thượng hơn, “ngon ăn” hơn.
Năm là, nói gì thì nói, tài năng vẫn là cái quyết định nhất để có tác phẩm hay.Theo đó, những người cầm súng – cầm bút bao giờ cũng là đội ngũ chủ lực trong việc làm nên những tác phẩm văn học viết về chiến tranh và người chiến sỹ. Không phát hiện kịp thời, thường xuyên chăm lo và nuôi dưỡng những tài năng ấy thì không thể nào có tác phẩm hay.
Nhận rõ được thực trạng, tìm ra được những nguyên nhân kể trên, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều những giải pháp khuyến khích, động viên, tạo những điều kiện tốt nhất cho những người viết nhằm tới mục tiêu có nhiều những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ vừa chân thực vừa hấp dẫn xứng đáng với tầm vóc của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc cùng những hy sinh to lớn của đồng bào và chiến sĩ ta trong suốt hơn 30 năm để có được hôm nay.
Một trong những giải pháp đáng ghi nhận nhất, có hiệu quả nhất là đầu tư, hỗ trợ cho người sáng tác.
Chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính do Bộ Quốc phòng chủ trương nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 – 2004) đến nay đã tròn 5 năm. Năm năm đối với một cuộc vận động sáng tác văn học là thời gian không dài, tuy vậy chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng mừng, đáng khích lệ.
Đây là lần đầu tiên một cuộc vận động sáng tác văn học được quân đội tiến hành theo phương thức “đặt hàng”, “ký kết hợp đồng” với các nhà văn; đồng thời đây cũng là sự gặp nhau giữa những ý tưởng, mong muốn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và những nhà văn bấy nay gắn bố với lực lượng vũ trang, tâm huyết với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Ngay từ khi cuộc vận động mới được phát động (đầu năm 2004) đã có 30 nhà văn đăng ký tham gia, thực hiện ký kết hợp đồng với Ban tổ chức và cho đến năm 2009 vừa qua, số người tham gia đã lên tới gần một trăm người. Đó là những nhà văn quân đội, những nhà văn từng tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ; đó còn là những nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang công tác ở cả ba miền đất nước.
Theo thống kê mới nhất, đến nay đã có 70 tác phẩm được Ban Tổ chức thẩm định và nghiệm thu, trong số này nhiều cuốn đã được xuất bản. Tiêu biểu là các tiểu thuyết: Không phải huyền thoại – cuốn tiểu thuyết 800 trang đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà văn Hữu Mai, Ngày rất dài (Giải thương Bộ Quốc phòng năm 2009) của Nam Hà, Những bức tường lửa (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2005, Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2007) của Khuất Quang Thuỵ, Những cánh rừng lá đỏ ( Hồ Phương), Kinh thành rực lửa (Nguyễn Quang Hà), Sóng Hàm Luông (Thanh Giang), Đất không đổi màu (Giải thưởng Sông Mêkông 2006) của Nguyễn Quốc Trung, Dòng sông bụi đỏ (Nguyễn Đình Chính), Thượng Đức (Giải thưởng Hội Nhà văn- 2006, Giải thưởng Bộ Quốc phòng – 2009 của Nguyễn Bảo), Xuân Lộc (Giải thưởng Bộ Quốc phòng – 2009) của Hoàng Đình Quang, Khúc bi tráng cuối cùng (tiểu thuyết được dựng thành phim và kịch nói của Chu Lai), Mùa hè giá buốt (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Văn Lê, Tiếng khóc của Nàng Út (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2008, Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Nguyễn Chí Trung, Sóng chìm (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2007) của Đình Kính, Phòng tuyến Sông Bồ (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Đỗ Kim Cuông, Đường thời đại của Đặng Đình Loan, Màu rừng ruộng (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Đỗ Tiến Thuỵ, Biến xanh màu lá (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Nguyễn Xuân Thuỷ, Cõi đời hư thực (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Bùi Thanh Minh, Bên dòng sầu diện (Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2009) của Nguyễn Đình Tú…
Đây là những cuốn tiểu thuyết hoành tráng viết về những trận đánh lớn, những chiến dịch, những sự kiện, nhân vật trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp cứu nước của dân tộc ta. Trong số những bộ tiểu thuyết bề thế đã được xuất bản, bề thế và hoành tráng nhất phải kể đến các cuốn Ngày rất dài (gần 1000 trang) của Nam Hà, Xiêng Khoảng mờ sương (900 trang) của Bùi Bình Thi… và đăc biệt là bộ Đường thời đại của Đặng Đình Loan. Bộ tiểu thuyết “rất sử thi” gồm 14 tập (1/ Ai giết Tổng thống, 2/ Đối mặt, 3/ Vượt biển, 4/ Bắt cóc Hoa hậu, 5/ Lao vào lửa, 6/ Những cú đấm thép, 7/ Thung lũng tử thần, 8/ Giăng bẫy, 9/ Mật lệnh, 10/ Trước giờ “ G”, 11/ Tia chớp đầu mùa, 12 / Sóng đô thành, 13/ Sét Tri Thiên, 14/ Vào hang sói ) tổng cộng 7000 trang này được tác giả dày công viết trong hơn 10 năm, tập cuối cùng, tập thứ 14 đã được xuất bản trọn bộ
Cùng với các tập tiểu thuyết là các tập truyện ngắn, trường ca, trong đó có nhiều tập vừa được Bộ Quốc phòng tặng Giải thưởng văn học nhân kỷ ,niệm 65 năm thành lập QĐND Việt Nam 2009 như các tập tuyện ngắn: Khúc dạ cổ của Hồ Kiên Giang, Lẽ sống của Phùng Văn Khai; các tập trường ca Mở bàn tay gặp núi (Nguyễn Đức Mậu), Lòng chảo khác (Anh Vũ), Lộ trình (Nguyễn Đình Di), Mêtro (Thanh Thảo), Vạn lý Trường Sơn (Nguyễn Hữu Quý), Hà Nội của tôi (Vương Trọng)…
TRONG giai đoạn đầu của cuộc vận động, ngoài tiểu thuyết, trường ca, ban tổ chức còn mời các nhà phê bình lý luận tham gia. Các nhà lý luận phê bình bấy nay có nhiều gắn bó với văn học đề tài chiến tranh cách mạng và người lính như Đinh Xuân Dũng, Lê Thành Nghị, Ngô Vĩnh Bình, Hồng Diệu, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Hoà… đã đăng ký viết. Bốn chuyên luận Trước đèn thơ của Lê Thành Nghị, Văn xuôi trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) của Ngô Vĩnh Bình, Tiếng thơ thời đại của Hồng Diệu và Thơ của các nhà thơ chống Mỹ của Vũ Tuấn Anh đã ra mắt bạn đọc, trong đó cuốn Trước đèn thơ của Lê Thành Nghị đã được Bộ Quốc phòng trao Giải thưởng nhân dịp Kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm mới rồi. Đây là 4 trong 6 tập chuyên luận làm thành bộ sách bề thế và công phu mang tên Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (1944-2009). Nếu được xuất bản trọn bộ thì đây sẽ là bộ sách ngang tầm với bộ Tổng tập các nhà văn Quân đội – Kỷ yếu và tác phẩm gồm 5 tập, tổng cộng hơn 4.600 trang giới thiệu 303 nhà văn từng khoác áo quân nhân cùng những tác phẩm xuất sắc của họ đã ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 60 năm thành lập QĐND Việt Nam năm 2004 .
Đánh giá những tác phẩm tham gia chương trình đã được xuất bản, Trung tướng Phùng Khắc Đăng – khi còn là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng những nhà văn trong một cuộc họp sơ kết cho rằng, chủ trương “đặt hàng” các nhà văn viết tiểu thuyết sử thi về hai cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta mà Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đề ra là rất kịp thời. Đây không chỉ là sự “đánh thức” các nhà văn trở lại với đề tài này mà còn là một cách để khẳng định quá khứ hào hùng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào của lớp trẻ, giành lại “thị phần” cho mảng sách văn học rất quan trọng vốn có lúc, có nơi bị bỏ trống sao nhãng… Nhiều nhà văn tham gia chương trình đã phát biểu hết sức cảm ơn quân đội đã tạo những điều kiện rất tốt cho họ sáng tạo, thức dậy những kỷ niệm, cảm xúc của các nhà văn – chiến sỹ. Nhà văn Bùi Bình Thi nói đại ý: không có dự án thì cả “kho” tư liệu về Xiêng Khoảng, về những năm tháng sống ở chiến trường Lào của ông đã bị bỏ quên! Không có những “cú hích” của anh em bộ đội, ông không thể kiên trì làm việc trong suốt 13 tháng trời để hoàn thành Xiêng Khoảng mờ sương – một cuốn tiểu thuyết dày dặn được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen và trao Giải thưởng. Nhà văn xứ Huế Nguyễn Quang Hà tâm sự: “Vì có sự đầu tư của quân đội, tôi đã hoàn thành cuốn Kinh thành rực lửa” viết về Huế trong tổng tấn công Mậu Thân 1968. Viết xong cuốn sử thi này tôi sẽ bắt tay ngay vào việc viết cuốn tiểu thuyết mới nói về những đóng góp to lớn, những hy sinh thầm lặng của những người dân vùng địch hậu Thừa Thiên – Huế trong những năm chiến tranh chưa xa. Cuộc vận động viết tiểu thuyết sử thi này thực sự đã cho tôi những cảm xúc mới, ý tưởng và sức lực mới…”
Phát biểu trong một cuộc tổng kết nghiệm thu tác phẩm nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Đây thực sự là một cuộc gặp gỡ giữa những ý tưởng, những mong muốn của Bộ Quốc phòng, của Tổng cục Chính trị và Hội Nhà văn, giữa quân đội và các nhà văn.”…
Cuộc vận động sáng tác viết tiểu thuyết sử thi của Bộ Quốc phòng còn đang tiếp tục và chắc sẽ còn những tác phẩm đang được các nhà văn ấp ủ, thai nghén. Là thế nên hy vọng, sau tổng kết được tiến hành vào dịp 22 tháng 12 tới, bạn đọc sẽ có trong tay không chỉ 70 mà là cả trăm tác phẩm bề thế, hoành tráng về trang chữ, hấp dẫn về nội dung, góp phần làm phong phú thêm tủ sách văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính – một tủ sách sáng đẹp và đáng trân trọng, đáng kiêu hãnh nhất của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.
Từ kết quả của chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca về đề tài chiến tranh và người lính của Bộ Quốc phòng những năm qua có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, trước hết phải xác định được mục tiêu đầu tư, đối tượng đầu tư và thể loại đầu tư.
Ngay từ khi mới triển khai, chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng đã nêu rõ mục tiêu của chương trình là “có thêm những tác phẩm văn học xứng đáng với tầm vóc và sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ ta trong các cuộc kháng chiến trương kỳ và gian khổ của dân tộc, nhằm động viên cổ vũ toàn quân và toàn dân ra sức thi đua lao động, học tập, rèn luyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu cao cả mà Đảng đã đề ra là: dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Đối tượng đầu tư là tất cả các nhà văn, các cây bút trong và ngoài lực lượng vũ trang, trong đó chú trọng các tác giả đã có nhiều gắn bó với quân đội, các nhà văn từng khoác áo quân nhân, các nhà văn – chiến sĩ. Về mặt thể loại thì thích hợp nhất để có một tác phẩm văn học mang tính sử thi là tiểu thuyết và trường ca.
Hai là, từ kết quả của chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi, trường ca về đề tài chiến tranh và người lính cũng như từ hiệu quả đạt được của việc trợ giá xuất bản những tác phẩm văn học có giá trị, cấp kinh phí cho Hội Nhà văn tổ chức các cuộc hội thảo, các chuyến đi thực tế, học tập giao lưu trong ngoài nước, mở các trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi, tiến hành xét tặng các giải thưởng cũng như việc hỗ trợ thông tin cho các nhà văn… của nhà nước thời gian qua chúng tôi nghĩ: cần phải tiếp tục đầu tư cho văn học; nhất là đối với các khu vực đề tài mà văn học hôm nay đang “thiếu” và “yếu”, những đề tài mà chúng ta đang “cần” như đề tài bảo vệ tổ quốc, “tam nông” (nông dân, nông nghiệp, nông thôn), biên giới, biển đảo, công nghiệp hoá…Đầu tư ở đây không chỉ đơn thuần là tiền bạc, dù rằng tiền bạc là rất quan trọng, là khâu “đầu tiên”. Từ thực tế cuộc vận động của quân đội cho thấy, quan trọng hơn cả tiền bạc là cách thức tổ chức đầu tư, phương pháp đầu tư.
Với tư cách là “chủ đầu tư”, là người “đặt hàng”, Tổng cục Chính trị quân đội đặc biệt quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Các đồng chí lãnh đạo Tổng cục không chỉ thường xuyên nhắc nhở ban tổ chức “trông giỏ bỏ thóc”- tức là đầu tư trúng người trúng việc mà còn trực tiếp động viên khích lệ và tạo mọi điều kiện có thể cho các nhà văn bằng cách thăm hỏi, tặng bằng khen, “thưởng nóng” cho những tác giả đang có chương trình sáng tác dài hơi, mời đến các khu điều dưỡng của bộ đội để viết. Biết nhà văn Nam Hà nhà ở khu trung tâm thủ đô vừa chật chội vừa ồn ào, lại có cháu nhỏ rất bất tiện khi viết đích tân Bộ trưởng đã cử thư ký riêng mang thư tay mời ông lên khu nghỉ mát của hồ Núi Cốc ngồi viết …và mỗi khi có nhà văn nào đó tỏ lời cám ơn quân đội, tướng Phùng Khắc Đăng thường nhã nhặn nói, đó chỉ là tiền “dầu đèn” đỡ các nhà văn, quân đội luuôn biết ơn các văn nghệ sỹ!
Ba là, cùng với đầu tư, nhất là sau đầu tư phải làm tốt khâu quảng bá tác phẩm. Như mội người đều biết, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại intrernet gõ cửa mọi nhà nên văn chương không còn là món ăn tinh thần như là duy nhất, như là món “ đầu vị” của quần chúng nữa. Đã thế các nhà xuất bản, các nhà sách, các diễn đàn văn nghệ lại quá nhiều, không còn một nhà xuất bản, một tờ báo, một tờ tạp chí văn nghệ nào còn giữ được vị trí độc tôn nữa. Một tập thơ bây giờ được in 500, 1.000 bản, một cuốn tiểu thuyết in 1.000 , 1.500 bản tác giả đã lấy làm mừng. Trong khi đó, trước đây quãng 20 năm trước một tập thơ có thể in tới 10.000 bản (như trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh), một tập tiểu thuyết in 50.000, 80.000 bản (như cuốn Cửa gió của Xuân Đức, cuốn Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn) vẫn được xem như …“chuyện thường ngày ở huyện”.
Đứng trước thực trạng nhiều tác phẩm có giá trị nhưng chỉ được in vài ba trăm bản sau đó “bị trôi dạt rồi chìm nghỉm đi không đến được tay bạn đọc có nhu cầu”, nhiều nhà văn đã phải “kêu trời” và đòi hỏi sách cũng phải được xem như một thứ hàng hoá cần được quảng cáo. Nhà thơ quân đội tài hoa Anh Ngọc cách đây cả mười năm, sau khi in tập thơ Mạnh hơn nguyên tử đã phải hạ bút viết những lời rao: “Sẽ vô cùng biết ơn những ai đã bớt chút thời gian (và có thể cả tiền bạc) để... đến với thơ ông “theo địa chỉ…””.
Từ thực tế này, ban chỉ đạo cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca của quân đội đã tổ chức quảng bá những tác phẩm được nghiệm thu và xuất bản một cách bài bản, cụ thể đặt các nhà phê bình viết bài trên các báo, đưa tới các nhà sách cả trong và ngoài quân đội, thậm chí bỏ tiền ra mua sách để đưa về hệ thống các thư viện, phòng Hồ Chí Minh trong toàn quân và làm quà tặng…
Công việc của người viết văn xưa đã khó nay còn khó gấp trăm bề. Sinh thời nhà văn Nguyễn Khải - một người dường như cả đời chỉ có một đam mê là viết, một công việc là cầm bút mà có lần phải hạ bút viết rằng: “Công việc viết văn hôm nay khó bằng bắc thang lên trời!”. Ông viết thêm: “Cái khó nhất vẫn là phải tìm ra một cách viết phù hợp. Có cách viết phù hợp mới có văn được. Nhưng cách viết không bao giờ để mình tìm nó, mà nó luôn luôn tự tìm đến, đến trong lúc bất chợt, có khi viết trọn cả một cuốn sách mà vẫn chưa biết mình vừa tìm ra một cách viết. Cái đó thuộc về duyên phận, về cơ may trời cho” (Văn nghệ Quân đội. Phụ san tháng 11 năm 2001).
Lối ra cho văn học hôm nay có nhiều nẻo, trong đó có con đường là phải tiếp tục đầu tư hỗ trợ - đầu tư hỗ trợ có chiều sâu, có trọng điểm; đồng thời phải quảng bá một cách thường xuyên, hiệu quả để những tác phẩm bạn đọc cần đến được tận tay họ…Và khi các nhà văn đã yên tâm ngồi vào bàn viết thì cái cơ may, cái duyên phận mà nhà văn Nguyễn Khải nói tới kia rồi thế nào cũng sẽ đến. Như vậy chúng ta vẫn có quyền chờ đợi, có quyền hy vọng!
Thập Tam trại, tháng 6 – 2010
Ngô Vĩnh Bình.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|
- 12/11/2010 - Trái tim đàn bà đa cảm trong thơ Cát Du
- 08/11/2010 - Những chuyện đời hư ảo mê đắm tình yêu cuộc sống
- 08/11/2010 - Trục vớt một bài thơ đắm trên sông Thiệp
- 05/11/2010 - Cảm thức lạc loài trong sáng tác của Thuận (2/2)
- 01/11/2010 - Cảm thức lạc loài trong sáng tác của Thuận (1/2)
- 20/10/2010 - Văn Chinh, kẻ theo dõi "Mùa màng văn chương"
- 18/10/2010 - Đỗ Trọng Khơi ở thế gian bằng lục bát
- 13/10/2010 - Nhà ghen… Hoạn Thư
- 03/10/2010 - Lục Bát Văn Công Hùng – "rơi ngang một giọt không tên"
- 24/09/2010 - Nguyễn Huy Tưởng - một nhà văn Hà Nội