"Trong bóng người xưa" một cảnh giới đầy hoa gió (phần 2) |
![]() |
![]() |
![]() |
TIN TỨC VĂN HỌC - Lý luận-Phê bình | |||
Không phải ngẫu nhiên những câu thơ được Lê Thiếu Nhơn lấy làm điểm nhấn của tập thơ Trong bóng người xưa đều giống như những nhịp cầu chênh vênh một đầu kê lên những day dứt ân tình trần thế, một đầu kê lên triết lý vô thường. Cụm từ quá cảnh trần gian thật hay vì nó là đứa con lai ghép giữa đời sống hiện đại và tâm thức vô thường để cùng một lúc nói lên cái phù du của đời sống hiện tại và cái mong manh của cõi thế theo tinh thần Phật giáo. Câu Nhân tình áo giấy vẫn ngồi đâu đây cũng vậy, mới đọc ta thấy toát lên một thái độ hoài nghi thế thái nhân tình, nhưng đọc kỹ ta lại thấy trong đó cái triết lý về cõi thế giả hình, tạm bợ, mong manh như một thứ hàng mã tượng trưng, rồi lại thấy như là nhà thơ đang nhìn thấy bóng người xưa ẩn hiện, như những bóng ma mang áo giấy đợi mình. Thế gian chỉ là cõi mộng, là chiếc bóng hư ảo, phù du. Triết lý ấy của nhà Phật bàng bạc trong suốt tập thơ Trong bóng người xưa với la liệt những mùa mưa, những bông hoa rụng, những cánh buồm, những giấc chiêm bao, những dòng sông không thể tắm hai lần, những cơn gió lang bạt cuồng phóng cuốn đi những mùa yêu mùa thơ, những vẻ đẹp huy hoàng thi nhân tận thấy trong quá khứ đã vụt mất từ bao giờ không rõ. Có điều, Lê Thiếu Nhơn không phải là một tín đồ Phật giáo thở dài buông trôi theo dòng chảy miên man của cõi vô thường hư ảo mong manh ấy, mà vẫn mang những day dứt tục lụy để lội ngược dòng thời gian mong tìm lại những “màu hoa quá cảnh trần gian” trong tình yêu, tình đời, tình bạn, tình thơ. Đi giật lùi để níu lại hoa xưa, níu lại đóa hoa vô thường quá cảnh trần gian với khát vọng dựng lại một thiên đường đã mất, kiên nhẫn tận tình chống trả lại mưu toan thương mại hóa những đóa hoa kỷ niệm ngày xưa, nhưng cũng đến một ngày Lê Thiếu Nhơn không chìm đắm trong nỗi niềm hoài cổ một chiều, mà đã giác ngộ ra một chiều kích khác của tình yêu và của thế gian khiến cho Hờn ghen hay trách giận không làm anh bận tâm nữa. Trong khoảnh khắc đốn ngộ, nhà thơ đã buông xả, thăng hoa để giải phóng cho người tình xưa, kỷ niệm xưa và giải phóng cho mình khỏi món nợ phục sinh đè nặng từng ngày sống. Học sự rực rỡ trong quên lãng của hoa (Phố tri ân) Chỉ một nụ cười lặng lẽ của người yêu xưa thôi đã khiến cho nhà thơ bừng ngộ, vượt lên bằng một khai phóng tuyệt vời của thiền sư để học sự rực rỡ trong quên lãng của hoa. Câu thơ tuyệt vời này gợi nhớ điển tích Phật Thích ca nâng bông hoa trên tay để khai mở tâm thức cho các đệ tử, Ngài Diếp Ca đã khai ngộ mỉm cười và trở thành tổ sư của Thiền tông. Nhưng ở đây, bông hoa dại trên tường và nụ cười của người yêu xưa dường như đã chập vào nhau trong một khoảnh khắc hạnh ngộ, phản chiếu cộng sinh, làm cho chàng thi sĩ bừng ngộ nhìn ra cái bản lai diện mục của tình yêu. Cái bông hoa dại rực rỡ kia có của ai đâu, có nhớ ai đâu, nhưng người đời vẫn yêu vẫn nâng niu nó. Cái khoảnh khắc thăng hoa khai ngộ ấy đã chiếu rọi vào tâm thức nhà thơ ánh linh quang rực rỡ của một vũ trụ vô tâm nhưng huyền diệu, khiến anh ta hốt nhiên đạt tới sự buông xả, trở nên đôn hậu, từ bi, biết nâng niu những màu hoa phù du quá cảnh trần gian. Nhà thơ không khóc than đưa tang quá khứ như xưa nữa, mà ngay trong phút giây người yêu cũ theo chồng, anh vẫn mỉm cười như Trang Tử xưa ngồi hát xênh xang khi người vợ lìa đời: Bỏ qua chuyện cũ mà sống (Gặp lại sông Hương) Không phải vì anh đã cạn tình, mệt mỏi, mà vì anh đã biết học sự rực rỡ trong quên lãng của hoa. D.Suzuky, nhà Thiền học đã từng viết trong cuốn Huyền học đạo Phật và đạo Thiên Chúa đại ý một bông hoa dại ngoài đồng giản dị khiêm nhường và nhỏ bé làm sao, nhưng nếu ta chăm chú nhìn kỹ nó thì đến một khoảnh khắc nào đó ta sẽ thấy nó lộng lấy hơn cả Vua Salomon lúc Người còn sống. Chính cái lộng lẫy của người yêu trong khoảnh khắc mỉm cười với thi nhân ấy đã giúp anh hòa điệu thăng hoa vào sự vô tình rực rỡ của thiên nhiên trời đất. Từ đây, anh có vẻ như đã đoạn tuyệt với M. Proust, chia tay với ước mơ tìm lại thiên đường đã mất để cho trái tim mình đập nhịp đàn ông: "Hoa nở đầu cành nỗi vắng mùi hương"… Hoa chỉ là hoa, không còn ám ảnh mùi hương xưa nữa, ngọn gió cũng không còn trĩu nặng ký ức và giấc mơ cũng bình thường như ngàn vạn giấc mơ. Và khi đã tự do với quá khứ nhà thơ nhìn thẳng vào thế kỷ 21 bằng cái nhìn phán xét, dõi theo dòng đời đang Quá cảnh trần gian: Gõ lên bàn phím dáng sông lưỡng lự (Phím gõ từng ngón tay) Trong tâm cảm của người đã được khai ngộ, những dòng sông chào đón tương lai bằng thái độ lưỡng lự khoan dung ôm lưu luyến ôm trùm mọi hoa tàn cỏ dại, mọi thân phận bất hạnh lầm lũi in đậm màu quá khứ, khác hẳn những dòng sông lao phăm phăm ra biển với cái hăm hở tự tin cạn cợt và có phần bạc bẽo của buổi đầu hội nhập. Đó là cái lưỡng lự mà Edgar Morin đã thấy trong cách thế của con người hiện đại từng trải nghiệm một thế giới bấp bênh, một thế giới của những điều không xác thực như những hư ảnh phù du “quá cảnh trần gian”, ở đó con người cần có sự chọn lựa vượt qua ứng xử đơn giản hóa của cái nhìn cạn cợt nhất nguyên. Anh vẫn say mê những ngọn gió lang bạt Trong thơ Lê Thiếu Nhơn, những suy tưởng lớn về thời đại được thể hiện một cách hàm súc qua những ẩn dụ theo kiểu thơ Đường, gợi nhớ những tâm hồn “độc thiện kỳ thân” trong thơ ca cổ: Ngày chờ ríu ran từng đàn chím sẻ Tâm hồn hoài cổ nhạy cảm cô trung với những giá trị văn hóa nhân bản bị chà xát hàng ngày bởi những tiếng chim sẻ văn hóa thời mở cửa đã hé lộ niềm khát khao những cánh chim đại bàng văn hóa vút lên trên nền tẻ nhạt của những phố ngày thường, phố thị phi và phố văn chương. Nhưng thơ Nhơn dù thoạt đọc có vẻ không mới mẻ, vẫn không phải là sự sắp đặt những linh kiện văn hóa của người xưa. Tập thơ Trong bóng người xưa có rất nhiều những câu thơ hay, tinh tế, mới lạ về cảm xúc và nhuần nhuyễn trong những tìm tòi hình ảnh và những kết hợp ngôn từ táo bạo. Như khi Lê Thiếu Nhơn ngắt đôi chữ "hoa dại" một cách tài tình: Học sự rực rỡ trong quên lãng của hoa Ta không thấy ở đây cái hiệu ứng uốn vặn bẻ gãy ngôn ngữ của thơ tân hình thức, hay cái vẻ kim hoàn tinh xảo của loại thơ gọt giũa ngôn từ, mà vẫn cảm nhận được trong kỹ xảo biến tính từ dại thành động từ của nhà thơ những cảm xúc tự nhiên, nhuần nhị và mới lạ. Những câu thơ mà Nhơn lẩy ra in cuối một số trang sách là ví dụ diển hình cho những sáng tạo ngôn ngữ kỳ khu mà sâu sắc tự nhiên, bởi cốt lõi của những phép tu từ hàm súc đó không phải là thói chơi chữ hình thức và thời thượng, mà chính là những nội dung cảm xúc và tư tưởng được bật ra một cách tài hoa trong cuộc hôn phối bất ngờ táo bạo của trí tưởng tượng thi ca. Có thể nói hoa và gió là những hình tượng ám ảnh trong thơ Lê Thiếu Nhơn. Nhưng nếu bông hoa trong thơ anh mang nhiều tư cách của bông hoa tâm linh siêu thoát rực rỡ ánh sáng thiền tông, thì gió trong thơ anh lại rất bụi đời, nhập thế. Hình tượng bông hoa gắn liền với những chiêm nghiệm thẳm sâu của nhà thơ, còn ngọn gió lại luôn gắn liền với con tim phóng túng của anh với bao nhiêu cung bậc khác nhau của những run rẩy yêu thương và khát khao trần thế. Ám ảnh gió trong thơ Lê Thiếu Nhơn còn phát lộ rõ thêm cái tâm thế bất định của một thi nhân nhạy cảm với lẽ vô thường, tạm bợ, mong manh theo quan điểm nhà Phật. Gió dọc ngang thi sĩ; Anh vẫn say mê những ngọn gió lang bạt… Gió đã trở thành sứ giả của tình yêu thuở xưa, giống như Thúy Kiều từng nghĩ: Trông ra ngọn cỏ cành cây Thúy Kiều từng mường tượng mai sau mình sẽ hóa thân thành ngọn gió, còn Lê Thiếu Nhơn thấy ngọn gió như sứ giả nối kết giữa tình xưa với cõi lòng nay, gió gửi hồn gửi vía, gió bay vòng nỗi nhớ; gió trở thành một địa chỉ của kỷ niệm Ngõ lại bỏ không thềm gió, Hồn cố đô nổi gió, gió cũng là một khởi điểm của thời gian thành phố bước vào gió. Gió là hiện thân của nỗi nhớ thường trực theo nhau thơ bất kể lúc nào, nơi đâu: cầm ngọn gió đi xa. Gió bon chen thổi trắng những toa tàu. Gió là cân tiểu ly, là hàn thử biểu của tình yêu để đo đếm lòng người, cân đong ký ức trong từng khoảnh khắc: Ta se lạnh ngọn gió thời yêu nhau; Không dám hoài nghi ngọn gió vô tình; Bao nỗi chia xa ngọn gió nhẹ hều; Âm u gió chướng; Gió đã bốn phương tơi bời tan nát; Đã xôn xao gió trong lòng... Không phải chỉ tình yêu mới làm ta say mê những bông hoa, những ngọn gió, những ngày thu. Không có tình yêu con người vẫn sống với bao rạo rực phập phồng trước cỏ cây mây gió. Nhưng tình yêu đã giúp Lê Thiếu Nhơn biến cỏ cây mây gió thành những địa chỉ ghi dấu những khoảnh khắc riêng tư độc đáo của riêng mình trong trong cõi vô thường, để gọi hồn những thiên đường đã mất cho nó hiện về sống lại trong khoảnh khắc đầy hoa, đầy gió và đầy sáng tạo ngôn ngữ của thi ca. Theo Evan.
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|