Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

Đăng nhập Đăng ký Điều chỉnh
Email In PDF.

Sang mùa

Sang mùaLại chiều. Cánh đồng nhuốm màu đỏ xuộm. Những cánh cò trễ nải bay ngang. Vài con diều sáo vi vút trên triền đê tím ngắt cỏ may. Anh cùng đàn vịt đẻ về đầm.

Những con vịt sau một ngày mò mẫm diều căng lặc lè chầm chậm toả xuống hồ như một đám mây trắng xốp, giỡn đùa inh ỏi. Những nàng vịt mái nhẹ nhàng khoả nước tắm gội kỹ càng, soi gương tỉa tót chán chê mãi mới đồng loạt xoè xiêm tung áo mời chào. Những chàng vịt đực mỏ vàng đuôi vểnh nãy giờ gật gù sốt ruột chỉ đợi có thế là vươn những cái cổ dài xanh biếc màu cánh trả lượn ve vé trên mặt đầm làm cồn lên những quầng sóng hào hoa.

Anh ngồi im lặng trên chiếc lều cắm lênh đênh trên mặt nước ngắm đàn vịt của mình cho đến lúc trời sâm sẩm, lũ vịt lạch bạch lên bờ, khệ nệ bê những cái bụng ậm ạch trứng vào chuồng. Đó cũng là lúc bọn trẻ vắt vẻo trên lưng trâu đủng đỉnh ngang qua. Bao giờ cũng thế, mới chớm tới đầu đầm là chúng hai... ba đồng thanh cất tiếng ê a:

Mặt trời tròn
Quả trứng tròn
Mặt trời đẻ nắng
Trứng tròn nở con...

Tiếng hát cứ xoay tròn hết lượt này sang lượt khác, nhỏ dần, nhỏ dần rồi lặn hút vào luỹ tre xa tít. Mặt đầm trở lại hoang vu ngập tràn năn lác. Gió nồm nam phao phảo thoảng qua, đầm nước lao xao dậy mùi tanh đằm đặm. Tiếng cá đớp ngay dưới chân lều nhưng nghe xa xăm, buồn buồn như bong bóng vỡ. Anh lui cui châm đèn. Một con cà cuống bắt sáng lao vèo đến đậu dính vào vai anh rồi lại hoảng hốt vù đi bỏ lại một quầng cay thơm ngát.

Chị ra. Đúng tầm này là chị tất tả mang cơm nước cho anh. Trong khi anh ăn, chị bó gối nhìm đăm đắm về phía chuồng vịt, nơi thi thoảng lại phát ra những tiếng kêu "lẹp kẹp" đầy bực bõ của lũ vịt đang ngái ngủ, mơ tưởng đến một thứ rất gần mà rất đỗi xa xôi. Anh ăn quếnh quáng cho nhanh rồi giục giã chị về, mặc dầu chị rất muốn nán lại thêm chút nữa.

- Về đi kẻo u chờ!

Nghe anh nhắc, chị lấn bấn đứng lên, quay ra quay vào mấy bận mới lên xe được. Nhưng khi một mình trên con đường thập thõm vết chân trâu chị lại đạp miết đầy nóng vội. Sáng mai, vẫn con đường này chị lại ra với anh, nhưng chuyến đi buổi sáng bao giờ cũng tràn đầy khấp khởi. Nền chuồng lát kín trứng. Những sinh linh phôi thai sau những nhọc nhằn. Vợ chồng già nhưng cái nhìn thì trẻ, cười nụ cười con trẻ, nói những lời con trẻ. Ơ này mình, em nghe hình như trứng cựa? Đâu xem nào. Ừ, đúng đấy! Trứng khoẻ thế này nở đều phải biết!

Niềm vui qua nhanh, nỗi buồn len đến như gió thoảng. Chị nhìn anh bằng cặp mắt âu lo. Liệu có hiệu nghiệm gì không anh? Mình nghĩ vớ nghĩ vẩn gì thế? Thầy đã nói rồi, phải kiên trì mình ạ! Phút chốc, lời vị lương y có nước da đỏ lồng lộng, bộ râu dài bạc trắng như tiên ông trầm ấm bên tai: "Anh chị đều khoẻ mạnh, nhưng tâm thần không được ổn. Chẳng có sinh linh nào tụ hình được trong một tâm thể bất an đâu!". Đơn thuốc thầy kê cho anh chị là hãy dưỡng tâm cho tốt. Vạn vật đều sinh sôi nảy nở, hãy chăm sóc cho vạn vật sinh sôi rồi ắt đến lượt mình. Nghe lời, nhà anh chị gà đầy sân, lợn đầy chuồng, cây cối xum xuê quấn quít. Khi con gà mái so tác rầm đòi ổ, vợ chồng bảo nhau chui vào đống rơm phủ kín đầu, rình. Lúc con gà mặt đỏ gắt màu cờ bay vù xuống sân cục tác inh tai khoe khoang niềm kiêu hãnh vừa qua cơn đau sinh nở, vợ chồng ào đến ổ nâng quả trứng nóng hổi vương vệt máu hồng hồng. Bốn bàn tay ấp chặt lấy quả trứng tròn, bốn con mắt nhìn quấn vào nhau cháy rực những tia thèm khát. Một măng chuối nhọn hoắt đâm lên từ gốc đất phù sa, một chồi non bật ra từ vỏ cây xù sì vươn cành kết nụ... đều khiến hai người hồi hộp. Không chỉ có thế, anh chị còn tình nguyện làm bà đỡ không công cho tất cả những ca sinh nở của gia súc trong làng. Có đứa bé nào vừa cất tiếng khóc chào đời, chị tình nguyện đến trông nom giặt giũ... Vậy mà chưa kết quả. Thế nên mới có đàn vịt này.

Chiều nay chị ra sớm. Chị mặc chiếc áo phin xanh trứng sáo cổ tròn cùng chiếc quần phíp mới lôi từ đáy rương sực mùi băng phiến, đôi chân sần sùi nứt nẻ xâu trong đôi dép nhựa đế cao, mái tóc búi kỹ càng hơn, má chị ửng hồng, mắt long lanh gợn nước. Chị vẫn đẹp, cái đẹp của người đàn bà son rỗi trong tàn phai.

- Hôm nay mình về nhà...

Chị nói lí nhí, đầu cúi xuống bẽn lẽn. Anh rỡ ràng nhìn chị không chớp mắt, lòng rộn lên niềm vui sướng. Quây chắn cho đàn vịt xong xuôi, anh hấp tấp đèo chị lao xồng xộc trên con đường lênh láng ánh trăng, mặc chiếc xe đạp long lên sòng sọc.

Ngôi nhà cổ nép giữa bốn bề cây cối um tùm, trong trăng suông nom càng u tịch. Cái sân gạch bị bóng cây đổ xuống loang lổ khoảng sáng khoảng đen. Có một bóng đen đang đi lại vật vờ trong sân làm dội lên những tiếng gậy tre lộc cộc. Bóng đen ấy là một bà già váy thâm áo đụp, mắt mờ tai điếc, thế mà anh chị vừa về đến ngõ bà đã quẳng gậy xuống sân gào tướng lên:

- Sâm ơi là Sâm! Giời đày hay sao mà con phải ra đồng ăn gió nằm sương! Mày không thương u à?

Anh cuống quít quăng xe chạy tới, như mọi lần, anh chẳng nói được câu gì, chỉ mình bà già rờ rẫm khắp người anh rên rẩm. Sâm ơi là Sâm. Lớn bằng ngần này rồi sao mà ham chơi quá thế. Tóc mày toàn bùn là bùn đây này. Để tí u đun nước tắm cho mày. Dọn cơm! Dọn cơm! Khổ, mày chỉ ăn toàn cơm nguội thôi...

Mâm cơm dọn dưới sân trăng. Nồi đen, cơm trắng. Khói cơm phà mờ mắt ba người. Bà già móm mém nhai, luôn miệng giục: Chúng mày ăn quàng lên chứ, u hết bát thứ ba rồi đây này. Ăn nhanh rồi ngủ sớm nghe chưa. Chúng mày mà thức khuya là u đánh đòn nghe chửa.

Bà già nằm buồng bên này, ngáp một tiếng rõ to rồi nằm im. Nhưng chỉ được một lúc là bắt đầu lẩm bẩm: Khổ thân chúng nó. Chẳng biết tại chồng hay tại vợ mà ra nông nỗi này. Dòng giống nhà ông Hựu, nhà ông Can đều sai con cơ mà. Ờ, chắc tại thằng chồng nó mải chơi. Ngày mai bà cấm. Đừng hòng mà đi nữa nhé. Giá là thằng Lợi thì đã chẳng phải bàn. Dòng giống nhà bà, bà biết chứ. Thì đấy. Ông bà chỉ gặp nhau có một đêm trong rừng Tây Bắc, thế là có ngay thằng Lợi...

Bà già trở mình, tiếng giường tre kẽo kẹt. Giọng bà vẫn đều đều kèo kẽo trong đêm như mọt nghiến. Ông ơi là ông. Ông có linh thiêng thì về phù hộ cho con. Chúng nó sắp già cả rồi. Lợi ơi là Lợi ơi. Mày có thương thằng Sâm con Bính không? Kìa, sao con không nói? Tại u, tại u tất con ơi. Báo tử mày ba năm, u đã cầm roi đuổi con Bính về nhà ông Hựu, dưng mà nó quỳ xuống khóc lóc xin u nhận nó làm con gái. Khổ thân con bé. Ngày mày đi nó càng ngày càng đẹp. Nó đẹp quá thì u lại đâm lo. Khi mày chết, nó vẫn đẹp. Nhưng mà rầu rĩ quá cơ con ạ. Nhìn nó u héo cả ruột cả gan. Ối đám đánh tiếng xin nó đấy, dưng mà u chỉ thương thằng Sâm thôi. Ngày nào nó cũng đến thăm u, chẳng chịu vợ con gì. Mà chính con cũng đồng ý với u như thế đấy thôi. Ba lần u gieo quẻ hỏi con, lần nào con cũng cho một đồng sấp, một đồng ngửa còn gì. Phải thế không nào? Kìa, sao con không nói? Giời ơi! Sao mặt con tím tái đi như thế? Con lạnh lắm à? Chết thôi, năm nào mà u chẳng đốt gửi cho mày một cái chăn bông. Cả quần áo nữa. Thôi con đừng khóc. U xin. Khi nào u mang được mày về, u đắp cho mày cái mả to như cái gò Đống Giai, con nhớ. Ơ kìa, sao mày không nói? Hả Lợi? Hôm nay con ở chơi với u lâu lâu, con nhớ! Kìa, sao con lại bỏ u mà đi như thế... con ơi!...

Buồng bên này, bóng điện ngủ hồng ấm chiếu chăn. Anh quàng tay qua người chị thầm thào:

- Có chắc không?

- Chắc!

- Ừ, trứng mình nuôi khoẻ thế cơ mà. Thôi, ngủ đi cho con nó mập!

Chị mỉm cười rúc đầu vào ngực anh.

Đêm trôi. Đêm trôi...

- Hỡ hỡ hỡ hỡ hỡ hỡ... Lợi ơi, mày bỏ u mày đi đâu!

Anh choàng mở mắt cuống quít ngồi bật dậy, chân trần chạy ra sân. U ơi là u! Con van u đấy! Đêm nào u cũng hờ lên như thế thì nhà con làm sao mà ngủ được! Đi, để con đưa u vào ngủ. Bà già vùng vắng giật tay ra:

- U thương chúng mày!

Vâng, u ơi, con biết u thương chúng con. Chính u đã đứng ra tác thành cho chúng con, rồi chính u lại ngất xỉu khi vợ chồng con đội mâm lễ vật quỳ trước bàn thờ của Lợi. Rồi là những cơn điên dại...

- Dưng mà u thương thằng Lợi...

Vâng, con hiểu mà. Đừng nhìn con như thế u ơi. Thấy u vật vã những đêm trăng, con chẳng đành lòng. Con đã ra đi. Ba lần chứ có ít đâu. Con đã quần nát cả khu rừng năm xưa, nơi chính tay con chôn Lợi rồi mà. Con đã nhắn bao nhiêu tin trên đài, báo, ti vi, cả trên chương trình phát thanh tiếng Bahnar, XơĐăng, Giarai... nhưng chưa có tin tức phản hồi. Có những việc làm nhân danh vì người chết, nhưng kỳ thực là cho người sống. Người chết có đòi hỏi gì đâu? Nếu đòi hỏi thì Lợi nó đã báo cho con biết rồi chứ!

Dường như hiểu những lời gan ruột của Sâm qua bàn tay nắm chặt, bà già ngoan ngoãn để cho anh dìu lại vào buồng.

Sợ vợ thức giấc, anh không dám trở lại giường. Một mình anh ngồi giữa căn nhà ắng lặng. Lợi ơi, sao hoàn cảnh lại trớ trêu thế này? Giá như ngày ấy mày đừng tham mười lăm ngày nghỉ phép. Mà không, trong hoàn cảnh ấy thằng nào chẳng tham. Bính ngày ấy trẻ và đẹp lắm. Vợ chồng mới bén hơi nhau qua ba ngày vội vã... Mày đã bắt sống được bốn thằng, chỉ thêm một thằng nữa là mày ung dung đủ tiêu chuẩn lên xe ngược Bắc.

Lợi ơi, tao nhớ lắm. Cái hôm tao và mày xách súng "đi săn" chuyến ấy, rừng mùa khô hừng hực gió Lào, rền rĩ tiếng ve. Dòng Đăkbla trong veo in rõ mây trắng trời xanh dưới đáy, lững lờ uốn lượn giữa những quả đồi cuộn vồng lên. Nơi ranh giới, những lá cờ đuôi nheo đỏ vàng lẫn lộn, lá rách te tua bởi bao lần pháo dập, lá còn lành lặn bay thẳng căng không nếp uốn. Chỉ có một quả đồi mà bên này giằng qua, bên kia co lại đến trăm lần. Không ít máu đã đổ vào đấy qua những lần lấn dũi, để cuối cùng thương lượng với nhau tại "Nhà hoà hợp": chia đôi quả đồi. Thế mà vẫn chưa yên. Lá cờ cứ bị dịch dần vào vùng giải phóng.

Lợi ơi! Hôm đó tao đã bảo để tao. Tao thanh tân, chưa vợ con gì. Tao cũng đã bắt được ba thằng. Nhưng khốn nỗi bọn lính E42 quá cáo, chơi bài đi lẻ. Chỉ có hai thằng bơi thuyền độc mộc qua sông, một thằng đứng lại bờ sông cảnh giới, một thằng lò dò tiến vào ranh giới nhổ cờ. Thằng lính to con, bộ rằn ri chật cứng, túi nào túi nấy căng phồng. Mày bảo tao yểm trợ để mày đón đầu bắt nó. Tao nằm nín thở, mũi AK chầm chậm rê theo. Cẩn thận Lợi ơi! Đã bảo rồi mà. Thằng lính to con đã vùng bật khỏi tay mày, quay đầu ù té chạy . Cái bóng của nó đã trùm kín vòng ngắm của tao. Đúng lúc tao mớm tay xiết cò thì mày lại chồm dậy đuổi theo khiến tay cò của tao sững lại. Nằm xuống, Lợi! Tao gào đứt hơi mà mày đâu có nghe. Thế là "Oành!", mặt đất xóc nảy lên, bóng mày và thằng lính bị nuốt chửng vào khói bụi. Tao hẫng một cái như không còn trọng lượng, mũi súng mất đà quay xéo ra bờ sông xổ một tràng dài. Thằng lính cảnh giới hoảng hồn nhảy lên thuyền chèo tuốt luốt sang bờ bên kia.

Lợi ơi, chạy đến tao đã dựng tóc gáy khi trông thấy mày như một con nhái bị quả mìn cóc tiện cụt hai đùi, máu và khói đỏ đen lẫn lộn khét tanh khiến bụng tao cuộn lên một cơn co bóp. Trời ơi, đôi mắt mày! Đôi mắt mày dại đi vì đau đớn nhưng vẫn nhìn chằm chặp vào mũi súng của tao. Tao đã nghiến răng đến vỡ quai hàm thục mũi súng vào cái mặt bạc méo xệch đi vì sợ hãi. Vậy mà mày, mày đã giơ tay cản tao. Cái miệng ựa máu tươi của mày vẫn còn mấp máy được câu: "Đừng... giết... nó!". Lúc đó mày nghĩ mày sẽ sống. Thằng tù binh thứ năm này sẽ giúp mày về quê thăm Bính?

Vậy mà mày không sống. Đêm ấy, trong khu nhà mồ của người Giarai, dưới tán rừng cổ thụ tao đã vác mày. Một thằng Lợi cao một mét bảy mươi lăm giờ chỉ còn là một bọc nilon ngắn chưa tày thước. Hai cái hố, một cho mày, sâu và vuông vức; một cái nữa sơ sài hơn nhưng cũng đủ sâu để chôn một thằng người. Đưa mày về với tổ tiên không trống không kèn không nhang khói, nhưng sẽ có một thứ ý nghĩa hơn nhiều: Máu! Vẫn biết máu chảy sẽ tiếp tục khơi nguồn cho máu chảy, nhưng đó là lúc bình tâm mà ngẫm, còn lúc đó trong đầu tao chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Kẻ gây ra cái chết cho mày phải đền tội!

Bọn tao lôi thằng tù binh thứ năm của mày ra khỏi căn hầm nhốt chung mấy chục thằng bị bắt, nó sợ vãi đái ra quần tong tỏng, chân mềm nhũn như rút mất xương. Bọn tao lôi nó xềnh xệch trên mặt đất như lôi một con lợn đem đi chọc tiết. Và nó cũng kêu rống lên như lợn nằm trên phản. Hình như nó biết bọn tao lén lút xử nó nên nó gào tướng lên: "Các ông không đươc giết tù binh... Không được giết... tù... binh!". Chát! Nhát báng súng dộng thẳng vào cái mồm đang gào khóc." Đ.mẹ, chúng mày phá Hiệp định còn to mồm!". Chửi thế nhưng trong bụng tao lại run, dù đã tìm sẵn cái cớ vu cho nó bỏ chạy, phải bắn bỏ. Nhưng chúng tao không dùng súng. Sở chỉ huy Tiểu đoàn gần lắm, lộ là cái chắc. Một nhát báng súng nện vào đầu? Đơn giản quá! Chết thế thì còn sướng chán so với cái chết đau đớn quằn quại của mày. Hồi chiều khi xuống bếp lấy cơm tao đã liếc thấy chiếc liềm cài trên vách hầm. Cái liềm theo bếp Tiểu đoàn từ ngoài vùng chiêm trũng Hà Nam chuyên dùng cho anh nuôi cắt tranh nhóm bếp, lưỡi chấu lởm chởm sáng xanh, sắc lẹm.

Đêm đen kịt, âm u. Ánh đèn pin bịt nilong xanh lạnh quét loang loáng trong khu nhà mồ hoang phế. Những cột tượng gỗ xiêu vẹo ngả nghiêng mặt đầy hang hốc ẩn hiện chập chờn theo đom đóm chớp. Tao đẩy thằng tù binh thứ năm của mày ngã quỳ trước hố huyệt đen hoăm hoẳm. Kẻ sắp bị hành hình ngửa bộ mặt sưng vù ướt nhoè máu và nước mắt lên van vỉ. Nó nói nhiều lắm nhưng tao không cần nghe. Tờ khai của nó tao đã đọc: Nguyễn Bé Em, hai mươi bốn tuổi, một vợ, một con, bố mẹ còn sống, gia đình ở Chợ Lớn Sài Gòn buôn bán khá giả, có tiền đút lót thoát mấy mùa quân dịch, nhưng sau hè 1972 thì bị vét.

Tao nuốt nghẹn vào lòng, mắt chớp chèm chẹp cho khô nước, hai tay nắm chặt chuôi liềm móc lưỡi chấu vào cái cổ to như cổ trâu vai đeo lủng lẳng một cái xích vàng treo tượng chúa Jêsu. Một chân tao dận vào lưng thằng tù binh. Tay giật mạnh, chân đạp mạnh một cái, đầu thằng tù binh sẽ rời khỏi cổ, cái xác không đầu sẽ rơi tòm xuống hố, lấp đất bằng, thế là xong. Lợi ơi, bọn tao lấy máu của thằng chó để tế mày đây! Thằng chó, cầu chúa đi! Tao gằn giọng trong họng. Thằng lính phút chốc hồn kìa khỏi xác, mặt trắng bệch như được nặn bằng vôi, hét lên một tiếng khiếp đảm: "Maa á...ơ.ơ.ơ.i!"...

- U! Trời ơi, sao u lại dậy?

Bà già lọm khọm không nghe gì, quơ gậy lọc cọc lần ra sân ngửa cổ lên trời:

- Hỡ hỡ hỡ hỡ hỡ!

Trong buồng có tiếng trở mình cùng tiếng thở dài ngun ngút. Anh đờ đẫn bước vào. Chị nằm nghiêng, mắt nhắm nghiền giả vờ đang ngủ nhưng mi mắt lại mọng lên. Mấy chục năm rồi nước mắt chị không ngừng râm ri, rỏn ra rồi lại lặn vào, cõi lòng mặn chát. Đời người thì ngắn, đêm lại dài đằng đẵng. Đêm chồng vợ vèo trôi theo nỗi hy vọng phập phồng...

Một đêm như thế.
Nhiều đêm như thế...

Một chiều heo may se sắt, bãi mía triền đê trổ hoa tím ngắt, anh lại lùa đàn vịt trở về. Vẫn công việc bền bỉ và niềm hy vọng âm thầm, nhưng hôm nay anh bỗng thấy không còn hứng thú. Đàn vịt đã rút ruột đẻ những quả trứng cuối cùng, giờ đang độ thay lông. Những chiếc lông trắng phốp cong cong như ngàn vạn cánh buồm theo gió may trôi vùn vụt về phía cuối đầm. Lũ trẻ so ro ngồi trên lưng những con trâu da mốc thếch gầy trơ xương sau vụ cày đông thót ruột, uể oải hát bài ca quen thuộc:

Mặt trời tròn
Quả trứng tròn...

Chị ra. Sớm hơn mọi ngày, nhưng không tự tin bước ào vào với anh như mọi ngày, mà đứng tần ngần trên bờ nhìn cái lưng áo lính bạc phếch của chồng xa xót, cho đến khi anh chầm chậm quay đầu lại thì chị bất ngờ oà khóc lên:

- Về thôi anh ơi...

Nhìn vợ mếu máo anh hơi chờn chợn, nhưng cũng chưa hiểu chuyện gì. Lời hỏi chưa kịp buông chị đã bật ra tức tưởi:

- Hết rồi... Còn trông đợi gì đâu anh ơi...

  Bóng tối đổ ập xuống cánh đồng tiếng côn trùng rền rĩ.

Còn tiếp...

(Trích tập truyện "Vết thương thành thị" - tác giả Đỗ Tiến Thụy, NXB Trẻ ấn hành)

Đỗ Tiến Thụy

Add comment

Chúng tôi chỉ đồng ý hiển thị các lời bình bằng Tiếng Việt có dấu

Security code
Refresh

Video mới chia sẻ

 

Lời yêu mới...

Bạn đọc đang trực tuyến

    0 Thành viên và 115 Khách đang trực tuyến