IE6_BAR

Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

Login Điều chỉnh
Email In PDF.

Chương trình thơ - nhạc tưởng nhớ Tố Hữu

 Chương trình thơ - nhạc tưởng nhớ Tố Hữu Chương trình thơ - nhạc đặc biệt mang tên Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi do Hội Nhà văn VN tổ chức ngày 2-10-2010 tại Nhà hát Lớn Hà Nội để tưởng nhớ Tố Hữu - nhà thơ lớn của thời đại Hồ Chí Minh - nhân 90 năm ngày sinh của ông (4-10-1920 – 4 – 10 - 2002)

Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và Hà Nội; và đặc biệt đến bất ngờ là đông chật người yêu thơ. Nhiều bài thơ hay của Tố Hữu đã được trình bày qua hình thức ngâm của các giọng ngâm thơ quen thuộc: Hồng Ngát, Hà Vy, Vương Hà, Phan Muôn... cùng với dàn nhạc đệm dân tộc của Đài Tiếng nói VN.:Bầm ơi, Ê-mi-li con ơi, Bác ơi, Ta đi tới, Chào xuân 67, Việt Nam - máu và hoa...Ở phần âm nhạc, nhiều ca khúc, hợp xướng nổi tiếng từng gây ấn tượng với công chúng nhiều năm qua như: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, Tổ quốc tôi, Mưa rơi, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng... của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Phạm Tuyên... phổ thơ Tố Hữu (bài cuối là dịch phẩm thơ Aragon của Tố Hữu) đã tái hiện được khí thế của một trong những thời đại hoàng kim nhất của lịch sử Việt Nam về với không khí Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Chúng tôi giới thiệu bài “Khi xem thơ” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về Chương trình thơ cảm động này.

 

 

“Khi xem thơ…”

Phạm Xuân Nguyên

Tình cờ, gặp nhau giữa một trưa mùa thu Hà Nội đang ngàn năm Thăng Long, nhà báo Trương Nguyên Việt mời chúng tôi đến dự chương trình thơ Tố Hữu (1920 – 2002) nhân kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ diễn ra tại Nhà Hát Lớn thành phố vào sáng 2/10/2010. Nghe thế, tôi làm ngay một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” mấy người đang ngồi quanh đều là thuộc “thế hệ thơ Tố Hữu”, nếu có thể nói như vậy, rằng đọc nhiều, thuộc nhiều thơ Tố Hữu suốt mấy chục năm qua, nếu kể ra một bài thích nhất, anh thích bài nào của ông. Nhà báo Dương Đức Quảng (nguyên Giám đốc Trung tâm báo chí của Văn phòng Chính phủ) và nhà báo Nguyễn Phong Doanh (nguyên Tổng biên tập báo Thiếu Niên Tiền Phong) giống nhau là thích bài “Bầm ơi”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, bảo chẳng hiểu sao lại thích bài “Khi con tu hú gọi bầy” được đọc từ hổi nhỏ. Còn tôi thì thích bài tứ tuyệt này: “Tôi lại làm thơ như mọi lần / Nghe ấm trời lất phất mưa xuân / Con chim chích nhớ mùa trái chín / Ríu rít về ăn táo ngoài sân” (ghi theo trí nhớ). Và thế là câu chuyện mùa thu Hà Nội của mấy chúng tôi có thêm thơ Tố Hữu hôm qua và hôm nay.

Có một thời thơ Tố Hữu được đọc khắp nơi, được học khắp nơi. Thơ ông đi vào nhà trường gần như ở mọi cấp học, ở mọi kỳ thi. Có thể nói, thơ Tố Hữu gần như là “chủ vị” của đời sống thơ ca nói riêng và đời sống tinh thần nói chung của một xã hội đang trong quá trình vận động cách mạng. Hàng năm, mỗi độ xuân về tết đến, người dân cả nước lại chờ đọc trên báo, chờ nghe trên đài bài thơ chúc tết của Bác Hồ và bài thơ chào xuân của Tố Hữu. Nói rằng có đến mấy thế hệ thuộc thơ Tố Hữu, đến mức “thở ra thơ Tố Hữu” cũng có lẽ không ngoa. Nhưng rồi đã lại có một thời thơ Tố Hữu dần lặng tiếng, dần khuất bóng trên thi đàn và trong đời sống cộng đồng. Sự nghiệp chính trị của ông dừng lại và thơ ông cũng dừng lại, tuy con người thi nhân trong ông vẫn sống, vẫn sáng tác. Gặp nhau ở Nhà Hát Lớn, nhà thơ Nguyễn Bao kể tôi nghe câu chuyện: sau năm 1990, nhà xuất bản Văn Học làm một tuyển tập Tố Hữu mời những người chuyên nghiên cứu thơ ông trước nay viết giới thiệu thì ai cũng lẩn tránh. Mọi người nói lại tình hình đó với nhà thơ, ông bảo thế ở nhà xuất bản có ai viết được không. Và thế là nhà thơ Nguyễn Bao nhận trách nhiệm viết lời tựa cho tuyển tập Tố Hữu, bài viết rồi có đăng báo Văn Nghệ với tên bài: “Năm 1990, đọc lại thơ Tố Hữu”. Nguyễn Bao kể tiếp: khi gặp Tố Hữu, ông bảo tôi thời nay mà còn dám viết về Tố Hữu là dũng cảm đó. Kể xong chuyện, nhà thơ Nguyễn Bao và tôi cùng cười, tiếng cười có sự ngậm ngùi, cảm thông. Lịch sử mà, không ai nói trước được lịch sử. Nhưng lịch sử cũng là một quá trình, không phải ngày một ngày hai mà thành lịch sử.

 Chương trình thơ - nhạc tưởng nhớ Tố Hữu _0

Cựu chiến binh Bùi Xuân Năm

Tôi đã đến dự chương trình thơ Tố Hữu tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Nắng thu vàng rực rỡ phố phường thủ đô đông đúc người trẩy hội. Khán phòng nhà hát phải chờ hồi lâu người mới dần vào đông. Hai bên sân khấu đặt hai khổ thơ đầu đời và cuối đời của nhà thơ. Tố Hữu đã vào đời với cách mạng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / Mặt trời chân lý chói qua tim / Hồn tôi là một vườn hoa lá / Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Tố Hữu đã qua đời với một nguyện ước nhân sinh: “Xin tạm biệt đời yêu quý nhất / Còn mấy vần thơ, một nắm tro / Thơ tặng bạn đường, tro bón đất / Sống là cho, chết cũng là cho”. Thơ ông đã được ngâm lên, nhạc phổ thơ ông đã được hát lên. Và những tràng vỗ tay đã vang lên từ những bàn tay của nhiều người già, người lớn tuổi có mặt, để tưởng nhớ một nhà thơ, để hoài niệm một thời, và để suy ngẫm một hành trình. Tiết mục ấn tượng là một chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa bước lên sân khấu. Đó là Bùi Xuân Năm, hiện là giám đốc Tổng Cty Đường Sông miền Nam (SOWATCO); anh kể ngày xưa trước mỗi lần anh lại ngâm bài “Trăng trối” và thật mừng là còn có thể được ngâm “Trăng trối” ở tại đây trong thanh bình và lễ hội. Và quả thật, anh đã mang cái cảm xúc lớn lao của một thời làm bật dậy ký ức cả một thời đại. Tôi có hỏi Trương Nguyên Việt là chương trình có chọn bài thơ “Đêm cuối năm” để ngâm không thì anh nói là không, và cho biết thêm là gia đình nhà thơ có đề nghị bài ấy. Với những ai từng quen thuộc thơ Tố Hữu thì sẽ không thể quên bài thơ đó. Với những ai đọc qua thơ Tố Hữu thì nên đọc bài thơ đó. Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn / Dở hay, khôn dại, những chê khen… Bài thơ “Đêm cuối năm” là một “tiếng đờn” lạ trong khúc nhạc thơ Tố Hữu, như là một sự gãy nhịp ngang cung.

Tố Hữu, với tư cách nhà chính trị và nhà thơ, sẽ còn phải chịu thử thách đánh giá và phán xét của thời gian và lịch sử. “Khi xem thơ, tôi chỉ biết có thơ”, tôi đọc ông, hôm qua và hôm nay, luôn theo tinh thần này của nhà phê bình văn học Hoài Thanh từ thời Thơ Mới.

Hà Nội 2.10.2010

Theo Vanvn.

 

Add comment

Chúng tôi chỉ đồng ý hiển thị các lời bình bằng Tiếng Việt có dấu

Security code
Refresh

Video mới chia sẻ

 
buy cialis or generic tadalafil