Cùng sáng tác

  • Hãy tham gia
  • Đăng nhập
  • Bạn đọc gửi

Text-Edit2Trang Văn Nghệ Chủ Nhật - Một sân chơi cho các sáng tác trẻ, mời các bạn tham gia, hãy đăng ký tài khoản thành viên trong ít phút



Bạn đọc mới gửi

Chữa lành PDF. In Email
TRUYỆN - Truyện hay

Mỗi năm, khi tới tuần lễ Tưởng Niệm Thảm Sát ở trường Do Thái, cô lại nghe mình nói câu: "Cha tôi là một trong những người sống sót."

Và bây giờ, tất cả cùng nhìn vào cây súng trong tay Aaron.

"Chà, cái này ngon à nghe", Aaron nói. Anh ấy nâng súng nhắm bờ đối diện, chỉnh hướng như phát hiện có mục tiêu, một cái lon để bắn từ tuốt luốt phía ngoài này. "Mèn ơi!" anh ấy ngọ ngoạy trong cái mũ trùm đầu. "Nâng nó lên nhắm mới thấy nặng làm sao".

"Đưa tui thử cái coi," Nathan van nài, nhưng Aaron nói, "Chờ chút". Ruby thấy gương mặt anh ấy trở nên rất tập trung.

Ruby nghe lời cha cô vang vang, "không được chĩa súng vào nhau. Aaron!" cô nói, với một giọng khiến ngay chính cô cũng ngạc nhiên, vút cao và eo éo, nghe phát ghét.

"Hả?" Anh ta hạ súng và đưa cho Nathan.

Nathan đưa súng lên ngắm, điều này làm cho Ruby khó chịu hơn: Nathan nhu mì đang chơi súng. Sai quá đi thôi, cô cảm nhận đột nhiên mà chắc chắn; lẽ ra cô không nên moi móc cái thứ này ra khỏi mặt đất. Nathan cười, "Ngon hén".

Cô bé cố lấy giọng trầm hùng hồn. "Thôi đi mấy ông anh, đưa... đưa lại cho em".

"Em định làm gì với nó?" Aaron nói.

"Thì em tìm ra", cô nói, và rồi buột miệng tuôn ra luôn mấy chữ. "Nó là của em".

Cả bọn nhìn cô. Nathan hạ súng. Aaron lắc đầu, vươn tay lấy lại khẩu súng. Anh ta nâng súng lên nhắm hướng chân trời, và nói, trong khi quay lưng lại cô em, "Thiệt đáng tiếc Ruby à, em còn quá nhỏ để sở hữu một khẩu súng".

Anh ta nhìn nhanh về phía ngôi nhà, hơi vặn nửa thân trên. "Hy vọng mẹ cha không nhìn theo tụi mình".

Nghe vậy, Abe cứng người. Anh ấy quay về hướng nhà. "Ờ phải đó mình nên mang nó vào trình".

Cái hồi sắp tốt nghiệp phổ thông, chừng một năm về trước, anh ấy từng bị cảnh sát tống lên xe vì cái tội loanh quanh trên đại lộ trước nhà với một khẩu súng lục trên tay. Tóc để dài và áo jean có rãnh, làm sao biết cây súng trên tay anh là giả, cảnh sát nói vậy. Abe bật ngửa. Cảnh sát đã ập tới, một người chĩa súng vào Abe qua cửa xe hơi. "Thằng chả kêu anh bỏ súng xuống," Abe kể lại bên bàn ăn sau khi cảnh sát đã bỏ đi, "như thể anh là sát thủ linh tinh nào đó". Cha mẹ họ đồng ý, lẽ ra anh ấy không nên chơi súng, nhưng phản ứng của tay cảnh sát thái quá quá. Bởi vì đường phố đông người, hai người nói, cảnh sát đâu thể du di, mà vì cớ làm sao lại đi trên con đường đó, mang cây súng đó? Cha họ bực tức ra mặt, ông giận những viên cảnh sát (sao nỡ làm thế với một chàng trai như thế) và giận cả Abe (cái quỷ quái gì xui khiến mi làm vậy?) Ông đã thức khá khuya nhỏ to với vợ, nhưng rồi, Ruby biết ông đã cho qua hết.

Ruby tự hỏi có phải Abe cũng đang nhớ lại việc này. Anh ấy đứng xoay lưng lại, rút tay ra khỏi túi. "Nè các em, mình hãy mang nó vào trình".

"Với cha và mẹ sao?" Aaron nói. "Vì sao?"

"Mình nên làm thế. Bắt buộc phải thế".

Aaron lắc đầu. "Thôi đi. Không đời nào họ cho mình giữ nó."

"Có lẽ là không", Abe nói. "Nhưng mà em muốn làm gì với nó nào? Súng thiệt đó, Aaron à".

"Em biết là súng thiệt, Abe à," Aaron nói chậm rãi, cầm cây súng. Anh chàng nhìn chăm chú, âu yếm nữa là khác, như nhìn con thú cưng. "Em không biết nữa, ít ra mình cũng có thể sửa chữa chút chơi".

"Bộ anh nghĩ còn xài được sao?" Nathan nói. Anh ấy đưa hai bàn tay đeo găng lên miệng, tay này lên tay kia, phà hơi thở vào.

"Không được", Abe nói.

"Em nghĩ mình nên nói cho cha mẹ biết", Ruby nói.

Aaron nhìn cô. "Em mà không nói mới lạ".

"Thôi nè, Aaron, đừng có nhỏ nhen. Của nó tìm thấy mà", Abe nói.

"Em biết, nhưng nó thì biết gì?"

Abe quay sang Nathan. "Em nghĩ sao hả Nate?"

Nathan nhìn cây súng. "Em nghĩ mình nên giữ nó. Cứ giữ vài ngày đi, lau chùi sạch sẽ, để coi mình có khám phá thêm điều gì không. Rồi quyết định sau".

Abe gật đầu. "Được thôi. Nhưng nếu cha mẹ có hỏi, anh không có bao che đâu nhé".

Họ quay về nhà, ngôi nhà đang chờ họ trên rẻo đất. Nhìn từ xa nhà họ cũng chẳng to lên chút nào: một nông trang cũ kỹ với ván gỗ phai màu thời gian, tầng trên không hơn cái mái gác, túp lều kế bên chỉ bằng cái garage ở nhà Massachusetts. Abe mang súng dẫn đường, bước đi quyết đoán xuyên qua sình lầy hướng tới bãi cỏ. Nathan và Aaron nói huyên thuyên, cất tiếng u u từ trong chiếc nón kép sụp hay cái mũ trùm đầu. Tay Ruby, cho dù ấm áp lúc này bên trong túi áo, vẫn đau rát. Cô co nắm tay, kìm nén.

"Có thể là của nhà Kanes!" Nathan đề xuất. "Nhà nó đâu có bố, đúng không nè?"

"Ờ, đúng vậy..." Aaron nói.

"Có thể đó là lý do ông ấy bỏ đi. Có thể ông ấy giết ai đó, quăng khẩu súng, và biến".

"Ờ há, có thể là lý do tại sao họ cứ ở trong nhà. Bà mẹ giữ rịt đứa nhỏ để nó không lộ bí mật cho ai hay".

"Phải đó", Nathan huơ tay làm một điệu bộ. "Có lẽ người đó là bạn của gia đình, ông ấy giết bạn mình ngay trước mắt họ!"

Họ phì cười, và Abe vòng tới trước mặt họ. "Thôi nghe mấy ông tướng", anh ấy nói, cất giọng bên trên làn gió. Anh ấy nâng khẩu súng giữa hai lòng bàn tay đeo găng dịu dàng như một tổ chim nâng trứng. "Bọn mình chẳng làm sao biết ai đó là ai, thì đừng có dựng chuyện! Biết đâu nó chỉ rơi khỏi thuyền, biết đâu nó vẫn còn trinh trắng". Ngưng một lát, trấn tĩnh, anh ấy nói tiếp trong dịu dàng, nhìn về phía Ruby, "Với lại, đừng có làm cho Ruby thấy ác mộng".

Anh ấy quay mặt và bước tới. Aaron và Nathan nhìn nhau, và Aaron bậm môi, cau mày như thể muốn nói, anh ấy bị gì vậy? Nathan chỉ nhún vai.

Khi họ đi về nhà, Ruby tự hỏi sự vụ sẽ ra sao, cô cảm thấy hơi ấm ức rằng sự vụ sắp thoát khỏi tầm kiểm soát của mình. Làm gì có chuyện cô muốn giữ khư khư cây súng, cho dù chính cô lấy nó ra khỏi nơi ẩn náu, cho dù còn rát bỏng nơi tay. Thế nhưng, có đó cái vật bí ẩn họ cùng mang vào nhà (cánh cửa cọt kẹt mở, và Abe bước vào trong). Ráng cho ra vẻ mình không bám víu vào khẩu súng, đâu phải của cô, nào cô đã bao giờ muốn, nhưng nhờ nó mà có sự vụ hiếm hoi cô và các anh trai cùng một phe, ngang một lứa. Tuy nhiên có cái gì đó vẫn như cũ: bé bỏng là Ruby đi cuối hàng, đi cuối hàng là Ruby vô danh tiểu tốt.

Đã vào trong, cô đóng cánh cửa. Các chàng trai giở nón, khom người tháo ủng, ầm ĩ lên vì sự ấm áp, mà Ruby cũng vậy, cái ấm thiệt là nồng, rân rân chạy lên xuống trong người. Họ nghe có tiếng piano từ phòng kế bên, nhưng không có tiếng hát.

Abe đứng bên cửa bếp, chờ cho lũ em làm xong cái sự vụ tháo ủng, treo áo. Mẹ họ gọi, "Các con về rồi đó hả?"

"Vâng ạ!" Abe nói vọng ra phòng khách. Anh ấy trao súng cho Aaron.

"Nè, em cầm đi", anh nói.

Aaron cầm cây súng, nhìn xuống người coi có chỗ nào giấu được không.

Họ nghe có tiếng bước chân trong phòng bên. "Nhanh lên!" Nathan thì thầm căng thẳng. Aaron dáo dác nhìn quanh, bèn nhét vào trong áo thun. Nó độn lên dưới lớp vải len.

"Chơi vui không?" mẹ họ hỏi, sừng sững ngay hành lang, gương mặt có vẻ chờ đợi.

Tiêu hết rồi. Vừa thấy mẹ là Ruby biết liền. Chính đây là người phụ nữ biết phân biệt những lời dối gian, biết ngửi thấy mùi khét của chúng, đừng hòng bọn họ có thể qua mặt bà. Aaron gắng gượng. "Dạ vui", anh ấy nói, tay khum khum gấu áo, hai gò má tàn nhang ửng đỏ. "Nhưng mà lạnh lắm". Anh ấy ấn tay đẩy cây súng vào sâu trong áo.

"Con mang cái gì về vậy, Aaron?" mẹ họ hỏi, gật đầu chào cái cục u dưới áo len, một tay chống nạnh.

Ngay khi mẹ họ phát hiện khẩu súng, Ruby biết coi như đã mất nó. Trong đại sảnh, khi Aaron thủng thẳng lôi cây súng ra từ bên trong áo và miễn cưỡng trao nó, cô đã cảm nhận sự mất mát; cái điệu bộ này, như cống như nạp, và cô dõi theo cái cách Nathan, Abe và Aaron cùng nhìn theo khẩu súng khi nó chuyển từ tay Aaron sang mẹ họ, như thể nhìn theo những đồng cắt lăn bất khả thu hồi xuống một miệng cống.

Trong phòng khách, cha cô đang ngồi đọc sách, ông bình thản nhận lấy khẩu súng, xoa xoa nướu răng với máy massage, cái tay máy mạ vàng thì bé mà tay ông thì to. Con Wally đang nằm trên sàn nhà bên lò sưởi, sợi xích lua khua khi nó nhìn lên với ánh mắt tò mò. Cha họ ngay tức thì tiến hành cái sự vụ loại bỏ khẩu súng ra khỏi ngôi nhà - ông đứng lên, xỏ chân vào dép, nhìn thẳng mặt các con trước khi bước vô phòng ngủ đặng sửa soạn mang nó ra ngoài trời.

Chỉ có Aaron là kháng cự. Abe và Nathan, không còn háo với hức, xem ra đã đầu hàng. Chỉ sau có vài phút, Abe ngồi xuống ghế bành và chẳng hề nhìn lên.

"Cha tính làm chi với nó vậy?" Aaron hỏi, đối diện ông, ưỡn ngực. Aaron giờ đây đã cao ngang bằng cha mình, cho dù mỏng người hơn.

"Ta sẽ đem nộp cho nhà chức trách", cha họ nói. Ông có vẻ bình thản, nhưng rõ ràng nếu dấn thêm tí nữa ông sẽ không phớt lờ.

"Tại sao kia chứ?"

"Bởi vì đó là chỗ của nó."

Nathan nhú ra từ phía sau Aaron. "Nhưng tụi con mới tìm thấy đây thôi. Cho tụi con giữ nó ít hôm đi cha?"

"Ai tìm ra?" cha họ nói, hơi cao giọng. "Ai nào?"

"Con ạ," Ruby nói. Cô đang ngồi thu lu bên lò sưởi ngay cạnh con Wally, xòe tay về phía ấm áp. Con Wally xìa xìa cái mũi, đánh hơi trên tay cô.

"Ruby!" cha cô nói, chỉ cái tay không lên trần nhà như thể chỉ chừng đó thôi cũng đủ nói lên điều ông muốn nói. Tay còn lại ông đang giữ súng. Cái cảnh tượng này, phát hiện gỉ sét và hàu bám trong bàn tay quen thuộc của cha cô, ngón tay trỏ khác người của ông (bị phạt mất lóng trên khi ông còn trẻ, lúc sửa chữa cái máy kéo trên nông trang tập thể) tì vào phía gần nòng súng, cái cảnh tượng này quá ư là siêu thực. "Ruby tìm ra nó!"

Ông đưa mắt lên trần nhà, thở dài. Ông nhìn mấy đứa con, từng thằng một. "Nè các con muốn em gái mình chơi súng thiệt sao? Hả các con trai?"

Các chàng trai cúi gằm mặt. Ruby thấy Aaron siết chặt nắm tay, cằm bạnh ra tức tối. "Ta biết là không", người cha nói. Duy nhất Ruby chạm phải ánh mắt của ông, nhưng cô biết ông không nói chuyện với cô. Vuốt ve hai tai Wally, hai tai Wally thụp xuống khi bàn tay cô lướt qua.

"Ta lấy làm tiếc", ông nói, như một dấu chấm hết trên đề tài, "nhưng luật là luật. Sẽ không có súng ống trong căn nhà này. Chừng nào các anh chị ở riêng thì muốn làm gì cứ làm, nhưng ở dưới mái nhà này, ta là người sắp đặt luật lệ".

"Chừng nào còn ở dưới mái nhà này" là một kiểu nói ưa thích của cha họ, thường được đưa ra khi lý sự trở nên vô ích. Những câu khác là "Ta nói gì thì cứ làm đi" và "Hãy làm như ta nói", chắc nịch như tiếng dập máy sau một cuộc gọi; khi nghe những câu này, họ biết là chẳng thể hy vọng gì. Ông cũng thường dùng câu "Hãy kính trọng cha mẹ anh chị", ưa thích nhất của ông trong Mười Điều Răn, và câu "Trẻ con chỉ để ngắm nhìn hơn là lắng nghe", mà Ruby nghe cứ nhột nhột làm sao ấy.

Thường ông vẫn như vậy: bất di bất dịch, biết mình muốn gì, và một khi đã tin là không khoan nhượng. Là do cái cách ông ấy lớn lên, Ruby biết - không cha không mẹ, trong một trại tập trung ở Tiệp Khắc và sau đó Israel, giữa đời khắc nghiệt và khác biệt hẳn so với cô, nhưng nói gì thì nói, cái quyết tâm của cha cô, khi nó trồi lên, cũng thiệt khó chịu đựng. Thường ngày bên ông là ấm áp, là thoải mái, là vui vẻ, và có khi khoan dung đến bất ngờ, nhưng khi ông tin chắc điều gì, y như rằng ông sẽ chẳng nghe lời ai hết. Mới khó sống làm sao, cái cách ông bỏ ngoài tai, cái cách ông không ngó ngàng.

Ông đi vào phòng thay quần áo, bọn họ một lũ ngồi yên trong phòng khách. Aaron nói, "Nhưng chẳng phải nó hư rồi sao!" đủ to để cha họ nghe được. Người mẹ ném qua cậu con trai một cái bĩu môi, nhưng làm thinh; đây không phải trận chiến của bà.

Không nói thêm một lời cha họ bỏ đi, cùng với cây súng. Tựa như khung trời mơ ước vừa mới hé ra đã đóng cái ầm; cái vật thể lạ này đã bước vô cuộc đời họ, cái sự vụ khám phá khiến họ đoàn kết lại với nhau trong chốc lát và rồi, cũng đột nhiên như khi đến, nó ra đi, không cần giải thích, không mong ngày về. Công bằng ở đâu, cái hoang mang này thiệt tình đã vượt ngưỡng. Nhưng mà biết phải giận ai đây ta?

Họ ngồi bên cạnh mẹ mình trong phòng khách. Nghe tiếng xe hơi nổ máy phóng đi ngoài đường, lốp xe nghiến sỏi lạo xạo, và rồi im bặt. Tưởng chừng như cha họ đã hút mất năng lượng ra khỏi người họ và mang đi đâu mất.

Mẹ họ, ngồi nơi bàn, chân xếp bằng và đầu ngả ra sau chạm cửa sổ, một vạt tóc muối tiêu thả nơi vai. Căn phòng thì ấm, ngọn lửa trong lò bập bùng sau ô cửa bé xíu bụi bẩn. Ruby, vẫn ngồi bệt trên sàn ngay sát lò, đan tay vào nhau; chúng đã trở lại nhiệt độ bình thường. Bên cạnh cô, con Wally lim dim mắt, gác mõm giữa hai chân.

"Các con à", cuối cùng mẹ họ nói, "phải biết là cha các con có lý do để không ưa súng".

Aaron gật đầu, như thể đã chờ đợi mẹ nói câu này. "Dạ", cậu nói, "chiến tranh".

"Phải, Aaron, là chiến tranh", bà nói. "Và Israel, và quân đội. Đời lính chiến, nghiệp súng ống từ hồi chút xíu, hỏi sao không dấu ấn".

"Cha kể với mẹ thế à?" Nathan dịu dàng hỏi.

Bà lắc đầu. "Không, nhưng mà mẹ thấy rõ. Không nói mẹ cũng biết. Ông dị ứng với súng, mẹ chỉ biết có vậy thôi".

"Nhưng sao cha chẳng bao giờ kể cho tụi con nghe hết?" Nathan hỏi. Cậu có vẻ tò mò thiệt sự. "Cha chưa từng kể một lần".

Bà gật đầu. "Mẹ nghĩ ông ấy cho rằng các con không nên biết. Mẹ nghĩ trong đầu ông ấy chỉ nghĩ các con không được chơi súng, vậy là đủ, ông ấy là cha cho nên các con phải vâng lời".

"Nhưng mẹ nè", Aaron nói, "tụi con đâu có bắn bỏ ai đâu! Cây súng đó còn khuya mới nhả đạn được!"

"Mẹ biết mà Aaron". Bà nói thủng tha thủng thẳng. Ruby nhận thấy bà đang cố để không giận dữ. "Nhưng vấn đề ở chỗ khác. Vấn đề là cha con chống lại súng ống nói chung - các loại súng, và mục đích tồn tại của chúng". Bà đổi chân rồi xếp bằng trở lại, hai tay thả lỏng nơi đùi.

"Con còn nhớ chứ Aaron", bà nói, "cái lần trước mình ở đây con đang câu cá trong đầm gần trường học thì có thằng nhóc nó bắn con một phát?"

Aaron gật đầu, và Nathan có vẻ ngạc nhiên. Abe cúi nhìn tấm thảm trải sàn. "Chuyện đó ra sao?" Nathan hỏi.

"Cái thằng nhóc này nhà nó đâu đó gần trường nó bắn Aaron một phát", bà nói. "Bắn trượt, dĩ nhiên rồi, và chẳng ai biết hà cớ làm sao, nhưng cũng khiếp vía, phải không Aaron?"

Anh chàng miễn cưỡng gật đầu. Ruby nghĩ anh chàng trông trẻ hơn tuổi thiệt.

"Bằng súng thiệt sao?" Abe nói. Mắt anh ấy tròn xoe, nhưng vẫn dán xuống nền nhà.

"Phải. Và Aaron liền về nhà méc cha, và ông ấy tức tốc dẫn cu cậu sang nhà kia, rung chuông".

"Rồi sao nữa?"

"À, anh trai thằng nhóc ra mở cửa, và cha trình bày đầu đuôi, mẹ nghĩ ông anh có sạt thằng em một trận tại vì nó chẳng bao giờ tái diễn”. Bà ngưng một lát. "Như mẹ nhớ thì hồi đó con đâu có mê súng như vậy", bà nói với Aaron, trên môi phớt một nét cười.

"Con chỉ không ưa cái cách mọi người ai cứ phải rón rén đi ngang qua cha", Aaron nói, giờ đã trầm mặc hơn. "Như cái lúc này chẳng hạn, mọi người ngồi nói về dĩ vãng của cha cứ như một bí mật ghê gớm, nhưng bản thân cha thì chẳng nhớ một tẹo nào để kể lại hết!" Anh chàng cất cao giọng, tay vung ra. "Thì đó, lúc ở bãi biển tụi con đã mường tượng rằng ông chẳng để yên cho, biết trước mà!"

"Aaron," mẹ họ nói, giọng bà thêm nóng nảy, "không việc gì con phải biết nhiều hơn những điều con trông thấy. Con biết cha con đâu có nhớ gì nhiều về dĩ vãng. Ông ghét súng, và ông không muốn nhìn thấy nó trong nhà - có vậy thôi. Con muốn lý giải ra sao thì tùy, nhưng ông ấy không có bổn phận giải thích. Cây súng phải ra đi. Rút gọn là như thế".

Aaron gầm gừ đứng lên khỏi ghế và biến mất lên cầu thang. Người mẹ cười với các con mình yếu ớt. "Ta thiệt sự lấy làm tiếc, các con ạ", bà nói. "Nhưng các con có muốn kể ta nghe đã tìm thấy chúng ra sao không?"

Từ nhỏ tới lớn dĩ vãng của cha Ruby giống như một cái phong bì, niêm kín, mà cô mang theo nhưng không được mở ra xem. Mỗi năm, khi tới tuần lễ Tưởng Niệm Thảm Sát ở trường Do Thái, cô lại nghe mình nói câu: "Cha tôi là một trong những người sống sót", nhưng khi thầy cô và các sinh viên khác nhìn sang trông chờ câu tiếp theo, chân mày nhướng cả lên (mà cô không biết khi nào là biểu hiện sự ngạc nhiên, khi nào là thương hại), cô sẽ co vòi, câm bặt. Cô cảm thấy cái gì đó trào dâng mỗi khi hai tiếng sống sót được nhắc đến, như cái bong bóng bơm đầy hơi. Cô muốn rằng năm chữ cha tôi người sống sót là quá đủ, bởi vì cô cũng chỉ biết bấy nhiêu.

Cha cô là một trong số ít ỏi may mắn, cô tự nhủ, như mẹ cô kể lại, người may mắn xóa sạch ký ức; cách duy nhất để bình an. Các giáo viên có hỏi liệu ông có muốn đến trường nói chuyện hay chăng, sẻ chia một vài điều với học sinh. "Em tin ông ấy sẽ chịu thôi", cô sẽ nói, "nhưng ông ấy đâu nhớ gì nhiều. Lúc đó còn con nít, ông đã đóng chặt ký ức". Cô sẽ nói như vậy, và các thầy các cô sẽ gật đầu, từ từ, mắt khép lại.

Dáng người ông thấp đậm, thấp hơn vợ mình những vài phân nhưng lại có uy đến mức sau chừng ấy năm sống chung bà buộc phải tin điều ông vẫn nói với bà: rằng ông cao hơn bà đến một phân. Một lần ông đi cùng Ruby đến trường Do Thái, trong một buổi sáng Chủ Nhật ngập nắng tháng Tư vừa rồi, và cô thấy tự hào đi cùng cha đến trường - tự hào về phương ngữ của ông, tự hào những bí mật ông chôn giấu bên trong, những bí mật buồn kinh khủng, nhưng rồi từ sống sót đến thành tài, tự hào bàn tay cha buông khỏi tay mình ở cửa lớp. Ông đã nhất quyết ăn mặc chỉnh tề, ngoài áo vét, trong sơmi hở một nút, râu ria cạo sạch, nên Ruby thấy mềm mại, ngay cả tay cha cũng mềm mại. Sáng hôm đó, trước khi rời nhà, Ruby đã làm xong công việc mà đôi khi cha phải trả cho cô năm mươi xu: lựa thành đôi một núi tất đen của ông, mới đem về từ chỗ giặt ủi, nhặt một cái bên trên rồi lục tìm bồ của nó. Thứ công việc ông không chịu nổi nhưng cô thì ưa - đứng bên cạnh giường trước đống tất, sục tìm chiếc tất có sọc xanh chéo qua ngón chân cái, chiếc có miếng băng keo dày bên trên, chiếc mong mỏng đang hao mòn. Chầm chậm, những tất cất thành đôi và cái đống tàn dần. Sáng hôm đó, cô đã để riêng ra một đôi để mang rồi mới cất hết những đôi còn lại vào trong tủ quần áo.

Thầy của Ruby bắt tay ông quý hóa và mời ông vào chiếc ghế trắng đặt trước lớp, nơi ông trả lời vắn tắt các câu hỏi, như ông vẫn thường trả lời cô. Những cánh tay nhú lên, cha cô gật đầu ra hiệu và nói "Vâng?" và Ruby thấy khoái làm sao, sinh vật bí ẩn này chính là người vẫn ở chung nhà với cô, vẫn nắm tay cô sau buổi học và chở cô về nhà trên xe. Là những câu hỏi mà cô đã thuộc lòng. Hồi đó chú bao nhiêu tuổi? Bảy tuổi. Chú ở trại nào? Terezin. Chú ở đó bao lâu? Bốn năm. Nhưng khi đề cập đến chi tiết: Chú có đi xe lửa không? Chú ăn những thứ gì? Câu trả lời của ông như nhau. "Chú không nhớ", ông nói vậy, và các câu hỏi rớt xuống như bao cát.

Cha là một bí ẩn mà đôi khi Ruby cảm thấy cô có thể giải đáp, như một đám mây đôi khi có vẻ như đủ gần để chạm tay vào. Khi cô còn bé xíu, ông dạy cô ăn nguyên trái táo, không chừa cùi. Sau chiến tranh, ông giải thích, đám trẻ con bị đưa vô một trại Chữ Thập Đỏ để vỗ béo. Các y tá chia khẩu phần sao cho bọn trẻ không ốm đói, cho dù bọn chúng đói ăn đến mức gặp gì cũng muốn nhai. Một trái táo, ông nói, nâng cái đã cạp một nửa lên trước mắt, là thứ ngon lành nhất chúng có thể tưởng tượng. Sau lần đó hầu như Ruby chẳng bao giờ ăn táo mà chừa cùi.

Cô cố gắng lần tìm theo hành trình đã đưa cha cô - từ một cậu bé, rồi đàn ông - băng qua bao nhiêu châu lục, để gặp mẹ mình, rồi sinh ra cô. Nhưng cho dù cố gắng bao nhiêu, cô chẳng thể nào trở lui được tới thời thơ ấu của ông; chẳng thể nào hóa thân, vào vị trí của cha hay cả mẹ, cũng là người có một dĩ vãng ly kỳ - được nuôi dạy bởi các xơ trong một cộng đồng người Ai-len nghèo xác xơ ở khu ngoại ô Bronx - mà không hóa thân được thì làm sao hiểu được họ, Ruby tin như vậy. Mùa đông năm ngoái, cô tìm thấy một tấm hình trong ngăn tủ phòng đọc của ông: là cha cô đó không nhầm lẫn, trẻ trung, với hai tay ôm lấy một người phụ nữ mà cô chưa từng biết. Khi cô hỏi ông về việc này, đưa nó ra trước mặt ông nơi bàn làm việc, ông nói đã từng kết hôn trước đây. Đó là khi đã kết thúc chiến tranh, đã rời xa Israel, đã rời quân ngũ, khi ông sang Úc làm việc trong hiệu ảnh của ông cậu David. Người ấy cũng từng là nạn nhân, ông thì trẻ người non dạ. Hai người không có con, và họ ly hôn ngay khi tới Mỹ; mãi một thời gian sau ông mới gặp mẹ của Ruby.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong những tháng năm của cuộc đời cha không được kể đến, thì việc có thêm một người phụ nữ khác cũng không sốc bằng việc ông tuyên bố từng có thời gian được trông nom bởi một tu sĩ. Ông ngồi ở bàn làm việc trong chiếc len đan đôi và chiếc quần jean mềm nhạt, nhìn xuống con mình, giải thích quá khứ của mình trong một giọng trầm tĩnh, đều đều. Nét mặt ông vẫn vậy, nhưng không hiểu sao lời kể khiến ông có vẻ xa xăm, như thể trôi tuột khỏi tầm với của cô, từ từ, như một đoàn tàu lăn bánh.

Tối hôm đó sau bữa ăn, Nathan rửa bát còn Ruby lau khô. Ngồi ngay bồn, trong ánh sáng mờ mờ của căn bếp chật hẹp, Nathan nhúng bát đĩa vào trong nước xà phòng và la toáng lên "Cứu tôi! Cứu!" trong một giọng lảnh lót, van nài, như sắp tắt thở, rồi anh chàng huơ huơ hai cái ly xanh làm như là đại bàng, nói, "Đừng có lo, ta sẽ cứu mi!" với giọng đều đều, trầm tĩnh. Anh chàng kể lể, "Một ngày tối tăm cho chén bát, chao ôi, quả là một ngày tối tăm, không còn hy vọng gì cho chúng, không còn" trong khi anh chàng sục tay trong nước xà phòng tìm những con dao và nĩa, tay áo xắn lên để thọc tay sâu đến khuỷu. Mẹ họ, đi qua đi lại, lau bàn và đưa cho những bát đĩa còn lại, nói, "Nate, con có chịu chú tâm làm việc không?" và Nathan giơ một cái nồi lên đặt ngay thềm bồn. "Có ngay, mẹ ạ, con sẽ làm ngay thôi, ngay đây, con sẽ cứu hết tụi nó, ngay đây mẹ ạ".

Lau khô bát đĩa trong khi Nathan rửa sạch chúng là một thói quen Ruby ưa thích, một dịp để cô ở bên anh ấy một mình, với trọn vẹn sự quan tâm. Cứ tới phiên anh ấy rửa bát là cô xung phong lau khô. Chầm chậm họ hành trình đi qua những bát đĩa; phía sau họ trong nhà trong có tiếng nói cười, nhưng họ không lắng nghe; và khi họ xong xuôi, Nathan mò mẫm trong bồn nước, lúc này lều bều những thức ăn thừa, khịt khịt mũi và nói "Khì khì", rồi nói tiếp, "Anh nghĩ là hết rồi". Anh ấy quay sang Ruby với một tay đặt trên bồn, "Sẵn sàng chưa?", rồi anh ấy nhấc bồn lên và xả nước tràn một bên, và họ cùng xem sóng sánh nước ùa qua thành bồn chui xuống rãnh thoát. Nathan đưa tay che tai nghiêng xuống bồn, và có tiếng ùng ục từ dưới sâu mà anh ấy từng nói với cô rằng đó là một con thủy quái khổng lồ có chân đang sống ở bên dưới bồn và nó uống cạn hết bao nhiêu nước. Cô biết là không có thiệt, nhưng cô vẫn tưởng tượng ra, cô đứng đó trong bóng tối hình dung con thủy quái há to mồm, bao nhiêu nước chui vào đó, và trái táo Adam quá cỡ trong cuống họng lộ thiên của nó cứ đẩy lên đẩy xuống với mỗi lần hớp.

Khi đã xong xuôi, họ lên cầu thang, và Ruby về phòng mình thay quần áo. Cô có thể nghe tiếng Aaron và Nathan qua cái khe hở thường trực trong cánh cửa khóa trong. Thay đồ rồi, cô đi qua phòng họ. Các anh trai ngước nhìn cô và ngưng nói chuyện. Cái đèn huỳnh quang hình tròn ở giữa trần nhà đang sáng, trong mờ mờ đêm nó có quầng hơi xanh. Cô dừng lại ngay sau cửa. "Có gì vui không?" cô thẹn thùng hỏi.

Họ không trả lời, nhưng cô không muốn đi xuống cầu thang một mình, thành ra cô lại ngồi gần Nathan trên giường anh ấy.

"Bọn anh đang nói đến một điệp vụ giải cứu cây súng", Aaron nói, cười toác miệng. "Có lẽ là đến đồn cảnh sát để lấy lại".

Ruby nhìn anh ấy, rồi nhìn sang Nathan. Cô lấy làm lạ; mấy ông anh trai chẳng bao giờ thôi làm cô ngạc nhiên. "Có thiệt không?"

"Ờ, không biết nữa. Anh không biết. Nate không muốn tham gia".

Nathan mỉm cười. “Nhưng em thích cái nhiệt tình của anh đó”.

Aaron quay ra nhìn qua cửa sổ. Ruby tưởng tượng ba người trong màu đen, mặt nạ trùm kín mít, trườn lê vào đồn cảnh sát.

“Chán”. Cuối cùng anh ấy thở dài, gật đầu. “Chán thiệt đó. Anh nghĩ bọn mình lẽ ra kiếm được khối tiền nhờ nó”.

Bộ sưu tập vé xem bóng chày của Aaron, đặt trên kệ tủ, là bốn hộp đựng giày đầy những vé mà anh ấy đã mất bao nhiêu năm thu thập và phân loại, sử dụng những card lưu trữ trên đó anh ấy ghi chép nhỏ nhắn và cẩn thận. Dĩ nhiên anh ấy cấm không cho Ruby sờ vào, nhưng đôi khi anh ấy không có nhà cô lén vô buồng và đưa mấy ngón tay sờ sờ bên trên, rút ngẫu nhiên vài tấm như vẫn thường làm trong ngăn kéo ở thư viện. Có lần cô ngồi kề bên anh xem qua một cuốn sổ ghi chép mỗi tấm vé giá bao nhiêu, đút vào và rút ra từ bọc nhựa những vé cao giá, và anh giải thích với cô giọng rất đỗi tự hào. Cô luôn muốn thấy mình tràn ngập thích thú khi ngắm nhìn những tấm vé, nhưng trong mắt cô chúng chỉ là những tấm hình đàn ông cầm chày và gậy, không hơn.

Khi cha cô về nhà từ đồn cảnh sát, một vài tiếng trước bữa ăn chiều, ông biến mất vào trong phòng ngủ không nói một tiếng nào. Wally đã lẻn ra trước khi ông đóng sập cửa và lại chỗ Ruby trong phòng khách. Không có thêm một lời nào về cây súng.

Lúc này, Ruby nghĩ đến cây súng nằm im trên bàn làm việc của ai đó, cách xa lắm thay từ chỗ mà bấy lâu nó yên ổn, trong vũng bùn, dưới mặt nước. Cô nghĩ đến đồn cảnh sát mà họ vẫn ngang qua mỗi khi đi đâu đó trong địa phận Maine, cái tòa nhà cô vẫn mơ hồ để ý nhưng chẳng mấy khi nghĩ đến như một nơi một chốn có người làm việc tại bàn, nơi đó họ đặt lên những cây súng cũ và gỉ sét. Giờ thì, cô biết, mỗi bận ngang qua mọi thứ sẽ khác hẳn đối với cô, một nơi chốn có mối dây liên hệ đối với họ, sẽ đóng một vai trò mới trong đời sống của cô. Cái đồn cảnh sát ấy sẽ không còn có thể vô danh, không còn như trước; cô sẽ nghĩ về nó kể từ hôm nay như là ngôi nhà mới của cây súng.

 còn tiếp...


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Bài mới đăng

Ai đang xem

Hiện có 539 khách Trực tuyến

Bài viết liên quan

Lịch Bài viết

< Tháng 1 2010 >
Th Th Th Th Th Th Ch
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31