Nhận được thư của anh, tôi trằn trọc ngủ không ngon giấc, suy nghĩ mãi không biết nên khuyên anh như thế nào. Anh viết thư cho tôi như một lời tâm sự và cũng là điều mà anh muốn chia sẻ: “…
Chú ạ! Cuộc đời của tôi, chú biết đấy! Sau khi xây dựng gia đình, hai vợ chồng từ tay trắng mà làm nên... nuôi dạy các con đều học hết phổ thông. Khi lớn lên chúng nó như con chim, mỗi đứa mỗi nơi, chỉ mong chúng thỉnh thoảng gọi điện về cho biết làm ăn và nuôi con như thế nào. Có khi vài tháng mới nó gọi điện một lần, nghe chúng nó nói dăm câu ba điều rồi bặt tăm. Tôi cũng chẳng hiểu tình cảm của các con tôi đối với bố mẹ như thế nào nữa? Rồi không may nhà tôi lâm bệnh, được mấy tháng thì mất. Mấy năm nay, một mình ở nhà trống vắng, lạnh lẽo quá. Cơm thổi một bữa ăn hai. Có khi thổi cơm rồi, mấy ông bạn già rủ đi chơi, mấy ngày hôm sau về mở nồi cơm thấy nó mốc xanh lên. Đúng là: “…vắng đàn bà thì quạnh bếp”. Đêm nằm trằn trọc một thân một mình không ngủ được, nghe tiếng côn trùng kêu rền rĩ. Nhất là những ngày mưa dầm, gió rét. Tôi cảm thấy cô đơn quá. Có lần anh em nhà đến nhà nhâm nhi mấy ly rượu, say rồi nằm lăn ra ngủ. Nửa đêm khát nước, giật mình thức dậy, nhìn xung quanh chỉ thấy bát đũa, xoong chậu ngổn ngang, một lúc sau mới nhớ ra bữa nhậu tối hôm qua. Mọi người đã về hết chỉ còn lại mình ta. Nghĩ mà xót xa, thương cho thân phận… Tôi đã từng nghe họ nói: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Nhưng nhà tôi mất rồi, còn bà nào? Tôi định đi bước nữa. Các con lại ngăn cản, cho tôi già rồi còn bày đặt. Nay gửi thư cho chú, mong chú một lời khuyên?”.
Đọc thư anh, tôi nhớ lại những ngày anh em cùng ở một nhà, anh là người chịu thương chịu khó, gánh vác mọi việc trong gia đình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, vì thương bố mẹ già yếu và các em còn nhỏ nên anh không chịu đi thoát ly mà anh về quê giúp đỡ bố mẹ, nuôi các em ăn học. Rồi xây dựng gia đình sống cuộc sống tự lập. Thật thương cho anh trong hoàn cảnh bây giờ! Anh nên tìm người bạn đời để giúp đỡ nhau khi “Tắt lửa tối đèn”. Nhưng phải tìm người thông cảm với mình mới được. Nếu lấy vợ mà không có con thì tình cảm của hai người có bền không? Nếu lấy vợ mà có con thì tương lai của chúng sau này thế nào? Phức tạp thật. Tôi đưa chuyện này hỏi nhà tôi. Nói chưa xong nhà tôi đã bốp ngay:
- Sáu, bảy mươi tuổi rồi còn gì, chỉ rới rở. Tôi mà “khuất núi”, chưa xanh cỏ chắc ông đã “đi hai ba bước” không chừng?
Đấy cũng là suy nghĩ của một số người đàn bà thiếu sự thông cảm. Thấy vậy tôi không nói nữa. Rồi tôi viết thư cho anh chỉ nêu một số điều chung chung, phòng khi có tình huống xấu xảy ra mình cũng không bị trách.
Tính từ ngày ấy đến nay đã năm, sáu năm rồi. Nay lại có dịp về thăm anh và thưởng thức cái tết ở quê nhà. Trời hôm nay lại không rét lắm, mọi người mặc những bộ quần áo đủ ấm, khăn cuốn cổ, mũ len, mũ vải… đúng là trăm hoa đua sắc. Phiên chợ tết đông đúc, kẻ mua người bán, đi lại tấp nập. Thật vui vẻ.
Về đến nhà chị tôi đã tám giờ sáng, thấy mọi người đang chuẩn bị đón tết. Chị tôi đon đả:
- Cậu về tới ga lúc mấy giờ? Cậu đi xe khách hay đi xe búyt, cậu về bến nào? …
Tôi chưa kịp trả lời câu này thì chị đã hỏi câu khác.
- Cậu lấy phích nước nóng pha thêm nước lạnh vào mà rửa mặt. Nghỉ ngơi rồi ăn cơm xong cậu đi đâu hãy đi. Anh Toan từ sáng đến giờ sang đây mấy lần hỏi xem cậu đã về chưa? Tết này anh ấy ăn tết to lắm, nuôi được con lợn khoảng một tạ, cho người ta đánh đụng, anh để lại một góc, lại gói hai mươi cái bánh chưng, đang mong chúng nó về… Hình như chị tôi vui, nên nói nhiều. Bỗng có tiếng điện thoại reo lên.
Chị lật đật chạy vào:
- A lô! Vâng! Về rồi! Vâng! Dạ. Được! Đồng ý.
Chị vừa đi ra vừa cười, vừa nói:
- Anh Toan hỏi cậu đã về chưa? Mời cậu trưa nay sang đấy ăn cơm. Hình như nay có cả ông bố vợ đến chơi nữa thì phải! Ông này kém anh nhà mình hai tuổi, nhưng rất vui tính. Như cậu thấy đấy! Hồi anh đi hỏi vợ. Người mà mình đồng ý, nhưng họ lại chê già. Đám mà họ ưng nhưng mình lại không thích. Mãi sau lấy phải một bà tính hâm hâm, cậy có của, nói năng thì bốp chát. Ăn ở với nhau được mấy tháng thì bỏ nhau. Tôi gặp chị này ở xóm trên, thuộc loại “Quá lứa, nhỡ thì” tôi đánh liều mối lái thế mà thành công. Lấy nhau chỉ có 3 năm mà đẻ được hai đứa con. Cậu thấy tôi có mát tay không? Nhưng giờ!... Chị tôi lắc đầu: “Vất vả quá! Gần bẩy mươi tuổi rồi còn “đèo bòng”... Cha già nuôi con mọn. Nhưng chị Toan từ khi có con lại béo và đẹp ra. Đúng là gái phải hơi trai… Chị lại khỏe mạnh, đảm đang thạo việc. Bác Toan nhà mình cũng may…
- Anh hồi này có khỏe không? - tôi hỏi.
- Vừa đi viện về đấy!
- Anh bệnh gì?
- Bệnh tuổi già! Họ bảo bị suy nhược.
Tôi thầm nghĩ: “Tuổi đã cao, vợ lại trẻ, sinh hoạt không điều độ. Suy nhược là phải”.
Tôi đi bộ sang nhà anh. Đến nơi, thấy cả trẻ con, người lớn đang đứng vây quanh xem người ta mổ lợn. Anh Toan đang đứng ở đó bế đứa trẻ khoảng hai tuổi, còn một đứa khoảng bốn tuổi, một tay cầm cái đuôi lợn, còn tay kia đang ôm lấy chân anh. Người anh hơi nghiêng đi một chút để cho đứa trẻ ngồi trên hông. Bỗng nó hắt hơi, hai ngòi mũi sổ ra xanh lè, anh lấy tay bắt mũi cho nó, rồi anh quay lại lấy móng tay út gạy gỉ mũi. Hình như tay anh che khuất tầm nhìn của nó, và có thể anh làm nó đau, đầu nó quay sang phải, rồi lại quay sang bên trái, tránh cái bàn tay của anh. Anh phải đưa cả cái tay kia lên, ghì đầu nó vào người mới chùi được mũi. Anh nhìn trước nhìn sau, hình như anh đang tìm bức tường hay gốc cây để chùi cái dơ bẩn ấy. Những chỗ ấy đều xa. Nếu bỏ chỗ này mà đi thì người bên cạnh sẽ chiếm chỗ. Thế là anh co chân lên chùi vào gót, rồi anh chùi tay vào quần. Anh lại ôm đứa bé xốc lên, cho nó ngồi lại vị trí cũ để đỡ mỏi tay.
Nếu không vướng hai cháu nhỏ, thế nào anh cũng được biên chế vào nhóm “đao phủ” này. Ngày trước chỉ có mình anh làm thịt một con chó, hay con lợn. Những thao tác giết mổ của anh thật là điêu luyện. Hôm nay, tuy đứng ngoài nhưng anh vẫn chỉ chỉ, chỏ chỏ, nhắc nhở họ chia thịt cho công bằng.
Trông anh hom hem quá, da thì nhăn nheo, sạm nắng. Má thì hóp vào, xương gò má nhô lên, cái môi trễ ra. Mấy cái răng cửa rụng gần hết, nhìn thấy cả cái lưỡi đo đỏ đang cọ quạy trong miệng.
Thịt lợn đã được chia ra từng phần, để trên những tàu lá chuối. Bộ lòng lợn luộc chín mới vớt ra để vào cái rổ còn đang bốc khói. Bên cạnh là nồi nước xuýt và chậu tiết. Một số người đang cầm rổ rá, xoong chậu chờ đợi để lấy phần.
Tôi tưởng tượng trưa nay, anh thái thịt… làm cỗ, tôi sẽ được mời nhâm nhi ly rượu nếp bắc, ăn lòng sốt và tiết canh.
Nguyễn Đình Phi