Cùng sáng tác

  • Hãy tham gia
  • Đăng nhập
  • Bạn đọc gửi

Text-Edit2Trang Văn Nghệ Chủ Nhật - Một sân chơi cho các sáng tác trẻ, mời các bạn tham gia, hãy đăng ký tài khoản thành viên trong ít phút



Bạn đọc mới gửi

Hoa đào Hà Nội của tôi đẹp hơn tất cả... PDF. In Email
VĂN HOÁ - Văn hóa

Hoa đào Hà Nội của tôi đẹp hơn tất cả...Những cành đào di chuyển nhẹ nhàng trong màn sương sớm phủ mờ bầu trời se sắt lạnh, đó là ký ức đầu tiên của tôi về Hà Nội mỗi lượt xuân về.

Giờ đây, năm lại hết, Tết lại đến, không biết hoa đào còn di động trong sương và các cô gái Hà thành còn chen nhau ở phố Hàng Đào để sắm sửa diện Tết không?

 

Đó là những ký ức, những hoài niệm của một Việt kiều Canada vừa mới về Việt Nam tham dự chương trình "Xuân Quê hương 2010" tại Hà Nội.

Tết ở chốn cực Bắc địa cầu được đánh dấu bởi những con người châu Á yêu phong tục truyền thống và bằng những bữa họp mặt gói ghém. Nhờ bạn bè ở các thành phố lớn gửi gia vị về, nên chúng tôi cũng có gà luộc lá chanh, có nem Sài Gòn... Một lần, sau hơn mấy mươi năm có người Việt đến định cư, người Whitehorse  được nếm bánh chưng Tết là nhờ các anh chị ở Đại sứ quán Việt Nam gửi tặng  từ Ottawa.

Nhìn những đôi mắt trẻ thơ của cháu ngoại tôi và bạn cùng lớp của cậu bé tròn xoe khi nghe tôi kể chuyện: Người Việt biết được ngày mà Mặt trời đổi ý. Ngày Mặt trời quyết định dừng chân trong chuyến viễn du về phương Nam và chuẩn bị hành trang quay về thăm quê hương cực Bắc.

Vì người Việt cũng  cần Mặt trời cho cây lúa như người Bắc cực nên người Việt đã quyết định làm lễ ăn mừng và đón chờ Mặt trời về thăm quê. Tôi mới thấy được ý nghĩa thần thánh của những câu chuyện truyền kỳ ảnh hưởng đến mộng đẹp tuổi thơ. Và mới hiểu hơn tại sao mùi khói hương trầm mặc ở cửa các đền chùa ngày Xuân lại mang cái vẻ linh thiêng bí ẩn đến thế vào thời tôi còn bé.

Rồi cũng dọc theo dòng hồi tưởng, tôi nhớ lại hình ảnh của chính mình khi lần đầu mẹ cho tiền để tự đi chọn áo mới du xuân. Chính là cái hình ảnh mà tôi chợt bắt gặp năm nào khi về thăm Hà Nội vào những ngày cận Tết, đó là những nét cười rạng rỡ của các cô gái chen nhau trên phố Hàng Đào.

Nhưng thật ra, hình ảnh đậm chất Hà Nội trong lòng người viễn xứ như tôi lại là những cánh áo thâm, như ẩn như hiện, dưới chiếc áo len nhẹ và môi trầu của một cụ bà nào đó, đượm nét nghiêm trang của các bà mẹ Hà thành. Chiếc khăn nhung không bao giờ lỗi mốt, luôn là nét tô điểm thật riêng của phụ nữ Thủ đô vì nó ăn khớp thật nhịp nhàng với cái hơi giá của gió mùa đông bắc, tuy se sắt thổi dọc những hàng hiên vắng, nhưng lại làm nồng nàn mâm cỗ bốc khói của bữa tiệc họp mặt gia đình đầu năm.

Hơi ấm tình người là một thứ quan trọng hơn bất kỳ thứ gì ở phương trời Bắc cực này. Chúng tôi quây quần bên nhau mặc cho tuyết vẫn rơi nặng hạt bên ngoài, mặc cho gió bắc thổi gập cả người của khách bộ hành trên phố. Hương thơm đặc trưng của gia vị thức ăn châu Á tỏa ngạt ngào khắp phòng tiệc, bạn bè người bản xứ háo hức nếm, cả từ món ăn chúng tôi dọn, đến những câu chuyện truyền kỳ hay chuyện hồi ức, mà chúng tôi, người kể cũng nôn nao  chẳng kém người nghe.

Hoa đào Hà Nội của tôi đẹp hơn tất cả..._0

Tác giả kể chuyện dân gian VN cho trẻ em tại Canada

Tôi ngậm ngùi bảo bạn rằng: Đã trễ mất rồi, bây giờ về Hà Nội ta chẳng còn cơ hội hưởng cái ung dung ngồi xe điện để đi đến tận trường Bưởi nữa. Nhưng tôi tin chắc rằng chợ tết Bắc Qua vẫn sẽ cứ nườm nượp những lá dong xanh mướt và rau tươi tháng Tết, những củ su hào căng mọng như được làm bằng ngọc thạch mà cành lá còn lóng lánh sương sớm khi nhà vườn vừa cắt vội mang đi, và cá vàng để làm lễ đưa ông Táo thì quẫy lội trong những chậu con.

Hà Nội trong tâm tư tôi tự bao giờ vẫn cứ là một ký ức xa vời vợi. Vì sinh trưởng ở miền Nam nên đối với chúng tôi cành đào Hà Nội là biểu tượng của một mùa xuân thành đạt. Ngay từ ngày còn bé tí, tôi đã nghe cha mẹ luôn ước ao: Hễ năm nay làm ăn thắng, mình sẽ mua một cành đào!
Lúc bấy giờ, nhìn những cành đào héo quắt vì hơi nóng của tháng Tết trong miền Nam, tôi chẳng hiểu sao ba mẹ tôi lại cầu kỳ đến thế!

Nhưng rồi một lần thôi, chỉ cần một lần trong đời nếu bạn thấy được những cánh hoa đào mong manh trong sương sớm, hoa nở rộ kín những cành khô meo mốc, rong rêu, tôi tin rằng bạn sẽ hiểu ba mẹ tôi vì sao lại phải mãi mãi ước ao một dấu hiệu thực sự của mùa xuân.

Còn phần tôi, sau một lần may mắn được ngắm hoa đào ở Đà Lạt nở sớm vào tháng Chạp trước Tết, tôi đi tiếp sang châu Âu, ngắm hoa đào ở Florence tháng Hai, ở Lisbon tháng Ba, ở Vancouver tháng Tư, và về Yukon xem hoa đào nở rộ vào tháng Sáu; tôi vẫn nhất quyết khẳng định với bạn bè rằng hoa đào Hà Nội của tôi đẹp hơn tất cả... dù rằng tôi làm cho bạn bè phải bật cười vì tôi như là quá trẻ con!

Vâng, thế đó, hai chữ quê hương, nó chẳng những bao gồm phong cảnh đất nước mà còn ghi đậm cả cái cung cách sống của cả những con người nơi chốn ấy. Đối với những người xa quê như chúng tôi, hẹn nhau một ngày Tết gặp gỡ tại quê nhà tuy thật là xa xỉ, nhưng mãi mãi vẫn là một ước ao cháy bỏng khôn nguôi.

Và cứ thế, mỗi năm mỗi lần Tết đến, tôi lại tự hứa với tôi, sẽ cố lấy một lần về ngắm hoa đào Hà Nội vào dịp Tết. Rồi cũng rất bất ngờ tôi tự hỏi mình: Mình nhớ hoa đào Hà Nội hay nhớ những nụ cười Hà Nội trên phố Hàng Đào ngày xuân?

Klaidht.

 

Bài mới đăng

Ai đang xem

Hiện có 552 khách Trực tuyến

Bài viết liên quan

Lịch Bài viết

< Tháng 6 2009 >
Th Th Th Th Th Th Ch
2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30